Tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chiều 11/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Cụ thể bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Luật Đường sắt.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Mở ra nhiều cơ hội cho lực lượng dân sự tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Mở đầu buổi họp báo, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu nội dung mới của Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Một trong những điểm mới nổi bật của luật là việc mở rộng lực lượng tham gia, không chỉ giới hạn trong quân đội, Công an mà còn mở ra cơ hội cho lực lượng dân sự. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, nhu cầu tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc hiện nay chủ yếu là tái thiết. Đây là những khu vực bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, xung đột và các thảm họa.

Vấn đề tái thiết hạ tầng, phục vụ cho đời sống của người dân, của cộng đồng là rất quan trọng. Đây chính là nhu cầu, là đầu bài để chúng ta đáp ứng. Trong 11 năm qua, kể từ 27/5/2014, khi những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam có mặt tại phái bộ, đến nay, chúng ta đã cử khoảng 1.100 lượt cán bộ, nhân viên. Lực lượng này bao gồm hai loại hình là cá nhân và đơn vị, thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Các sĩ quan của chúng ta đảm nhiệm các vị trí như quan sát viên quân sự, sĩ quan hậu cần, y tế và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội tại địa bàn. Song song với đó, đã triển khai thành công các Bệnh viện Dã chiến tại Nam Sudan, Đội Công binh. Sắp tới, Bộ Công an cũng sẽ cử lực lượng cảnh sát tham gia.

Luật mới đã mở rộng cho lực lượng dân sự tham gia, gồm chuyên gia trong các ngành nghề thiết yếu cho công cuộc tái thiết như giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông và pháp lý. "Những vị trí này rất cần thiết cho sự tái thiết tại các địa bàn phái bộ", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho hay.

Nghiêm cấm hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân

Tại buổi họp báo, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu những nội dung mới của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu những nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu những nội dung quan trọng của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Luật gồm 5 chương, 39 điều, quy định về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, để đảm bảo khả thi và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm bám sát thực tiễn, đảm bảo tính bao quát, tập trung vào những hành vi phổ biến, nghiêm trọng, như: Xử lý dữ liệu cá nhân nhằm chống lại Nhà nước; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; chiếm đoạt, cố ý làm lộ, làm mất dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân bị nghiêm cấm, trừ trường hợp luật có quy định khác sẽ tạo hành lang pháp lý để đấu tranh với tội phạm coi dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường để mua, bán, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Luật đã quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân: Mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm; trường hợp không có khoản thu từ hành vi vi phạm hoặc mức phạt tính theo khoản thu có được từ hành vi vi phạm thấp hơn 3 tỷ đồng thì áp dụng mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng. Chính phủ sẽ quy định phương pháp tính khoản thu có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, nhận thấy tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực đặc thủ, quan trọng, luật đã quy định các điều khoản cụ thể để điều chỉnh hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý, như: Trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động; kinh doanh dịch vụ quảng cáo; nền tảng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến; xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, vũ trụ ảo, điện toán đám mây; hoạt động tài chính, ngân hàng, thông tin tín dụng; hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng. Luật cũng công nhận ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm quản lý chặt chẽ ngành nghề có quy mô xử lý dữ liệu cá nhân lớn và nhạy cảm này.

Đối với dữ liệu cá nhân của trẻ em, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, luật cũng có quy định riêng chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương này. Đối với dữ liệu vị trí, dữ liệu sinh trắc học, luật quy định yêu cầu biện pháp bảo mật nghiêm ngặt, hạn chế quyền truy cập và có cơ chế thông báo cho chủ thể dữ liệu nếu xảy ra thiệt hại.

Liên quan quy định đánh giá tác động hoạt động xử lý và chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay, tổ chức, cá nhân tiến hành chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới phải lập hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới và gửi cho cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân trong vòng 60 ngày kể từ ngày chuyển. Quy định này vừa giúp cơ quan chuyên trách quản lý hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam xuyên biên giới, vừa tạo cơ chế linh hoạt cho doanh nghiệp, không quy định cấp phép kiểm duyệt trước khi chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới...

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Cũng trong chiều 11/7, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã thông tin ngắn gọn về 5 luật do Bộ chủ trì soạn thảo. Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy đã thông tin về các điểm mới quan trọng của Luật Đường sắt 2025.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/tao-hanh-lang-phap-ly-cho-cong-tac-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-i774498/