Tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 15-4, tại Nhà Quốc hội, chương trình Phiên họp thứ 44 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013) và có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.

Mục đích ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo hành lang pháp lý để Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Theo đó, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển lĩnh vực này là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, quy định về chính sách tín dụng hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ ở địa phương khá là chung chung; chỉ nói được ưu tiên, được xem xét hỗ trợ lãi suất từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ. Nếu không có quy định chi tiết thì các tổ chức đổi mới sáng tạo sẽ khó tiếp cận được các nguồn ưu đãi của chính sách ưu tiên này.

Liên quan đến việc thành lập các quỹ, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định tới 6 quỹ thì có quá nhiều hay không? Theo Phó chủ tịch Quốc hội, có thể gom lại thành một số quỹ cần thiết nhằm bảo đảm các quỹ phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, về tên gọi dự thảo Luật, có thể sửa đổi thành Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và nội dung đổi mới sáng tạo là nội hàm nằm trong Luật và nghiên cứu xây dựng thành chương riêng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong dự thảo Luật cần tránh đưa quá nhiều nội dung, cần tập trung vào những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần, có thể triển khai được ngay.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tóm tắt tờ trình dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tao-hanh-lang-phap-ly-de-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-824025