Tạo hành lang pháp lý, quản chặt xe ô tô 2 tầng chở khách du lịch

Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT đề xuất đưa hoạt động vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng vào quản lý tại dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ.

Giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hình ảnh du lịch

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng theo Quyết định số 2055 ngày 21/9/2018 và Quyết định số 533 ngày 22/04/2022 của Bộ GTVT.

Từ năm 2018 đến nay, cả nước có 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động thí điểm vận chuyển khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng tại 6 địa phương với tổng số 24 phương tiện (ảnh minh họa).

Từ năm 2018 đến nay, cả nước có 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động thí điểm vận chuyển khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng tại 6 địa phương với tổng số 24 phương tiện (ảnh minh họa).

Đến nay, có 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động thí điểm tại 6 địa phương với tổng số 24 phương tiện.

Tại Quảng Ninh, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội là đơn vị duy nhất thực hiện thí điểm từ ngày 18/6/2019.

Tại Hà Nội, Công ty CP du lịch Việt Nam - Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội là 2 đơn vị khai thác vận hành tuyến xe khách du lịch 2 tầng (City Tour) phục vụ phát triển du lịch Thủ đô. Trong đó, tuyến City tour 02 có cự ly tuyến xấp xỉ 15.3km (ngày thường) và 14.8km (ngày cuối tuần), lưu lượng 18 lượt xe/ngày. Tuyến City tour hoạt động từ ngày 30/11/2018 với 1 tuyến, 4 phương tiện khai thác, thực hiện 26.442 chuyến và sản lượng khách đạt 352.700 khách.

Theo các đơn vị thí điểm tại Hà Nội, từ khi triển khai đến nay, loại hình vận tải này được nhiều người dân địa phương, khách du lịch sử dụng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ; lộ trình tuyến đáp ứng được sự kết nối giữa các điểm du lịch, các thắng cảnh và các điểm vui chơi chính của TP Hà Nội. Giảm được nguy cơ ùn tắc giao thông do khách du lịch không sử dụng các loại hình vận chuyển khác, tạo ra được hình ảnh đẹp, thân thiện, thuận tiện cho du khách.

Tại TP.HCM, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam đảm nhận hoạt động tuyến tuyến DL01 từ ngày 15/1/2020 (chiều dài tuyến 12,7 km, số lượng phương tiện 5 xe/ngày, thời gian hoạt động từ 9h đến 23h/ngày, tổng số điểm dừng là 11-12 điểm chính và 1 điểm dự phòng). Tính đến hết quý I/2024, tuyến DL01 phục vụ 191.681 lượt hành khách.

Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội đảm nhận hoạt động tuyến DL02 từ tháng 8/2022 (chiều dài tuyến 13,8km, số lượng phương tiện 5 xe/ngày, thời gian hoạt động từ 9h đến 17h30/ngày, tổng số điểm dừng là 10 điểm). Tính đến hết quý I/2024, tuyến DL02 phục vụ được 125.203 lượt hành khách.

Tại Lâm Đồng, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Hà Nội đã triển khai 3 xe 1 tầng thoáng nóc để vận chuyển khách du lịch theo 2 tuyến trên địa bàn TP Đà Lạt với 3 xe hoạt động; thời gian hoạt động từ 9h đến 19h30 hàng ngày; tần suất 60 phút /1 chuyến; 9 lượt xe/ngày.

Tại Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại TP Huế triển khai thí điểm từ ngày 1/9/2022 - 31/5/2024 với 3 tuyến và 2 phương tiện khai thác, tổng số chuyến 5.075 chuyến, sản lượng khách đạt 22.457 người.

Tại các địa phương khác như Bình Thuận, Kiên Giang, Đà Nẵng mặc dù cơ quan quản lý địa phương đã mời các doanh nghiệp vận tải có đủ điều kiện đầu tư thí điểm nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký khai thác.

Việc triển khai thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng giúp giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (ảnh minh họa).

Việc triển khai thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng giúp giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (ảnh minh họa).

Theo Bộ GTVT, việc thí điểm đã mang lại những kết quả tích cực, không chỉ giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, các địa phương cũng gặp nhiều thách thức trong triển khai bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế về hạ tầng và thời tiết, cũng như yêu cầu đầu tư lớn và khó khăn trong quảng bá.

Tại Thừa Thiên - Huế, thời tiết diễn biến thất thường với nắng gắt hoặc mưa lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của xe ô tô thoáng nóc 2 tầng. Trong khi đó, do là sản phẩm dịch vụ mới nên đơn vị khai thác gặp nhiều khó khăn trong quảng bá và thu hút khách hàng. Phương tiện lại có tính đặc thù cao (chỉ phục vụ du lịch do thiết kế xe 2 tầng, thoáng nóc tầng 2) và yêu cầu đầu tư vốn lớn (3 - 5 tỷ đồng/ 1 xe), khiến các doanh nghiệp phải thận trọng trong việc mở rộng dự án.

Tại TP.HCM, các chuyến xe còn đón, trả khách ngoài vị trí đã được chấp thuận; thời gian đón, trả khách kéo dài, đặc biệt là giờ cao điểm; tập trung nhiều phương tiện chiếm dụng lòng đường; vi phạm hệ thống biển báo giao thông đường bộ khu vực đón, trả khách; tự ý thực hiện vạch sơn kẻ đường.

Ngoài ra, các đơn vị thí điểm cũng không thực hiện đúng cam kết về công tác báo cáo trong phương án đề xuất, như: không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định thí điểm, sử dụng các phần mềm quản lý riêng như kiểm tra GPS phương tiện, đặt tour, bán vé, tổng hợp sản lượng và in hóa đơn điện tử.

Trong một số trường hợp, dữ liệu quản lý phương tiện, điều hành, giám sát... không được cập nhật tự động, dẫn đến dữ liệu hệ thống không đầy đủ. Bên cạnh đó, một số nội dung quản lý như nhiệm vụ của bộ phận an toàn giao thông, theo dõi lý lịch phương tiện, theo dõi và cảnh báo thời hạn hết hiệu lực của các giấy tờ theo xe: đăng ký, lưu hành, bảo hiểm tai nạn dân sự, bảo hiểm vật chất xe, tem phù hiệu… vẫn đang được triển khai thực hiện thủ công.

Về nhận diện phương tiện, trước đây, các đơn vị thí điểm cam kết sử dụng phương tiện có màu đỏ đặc trưng, tuy nhiên, khi thí điểm lại có thêm quảng cáo trên thân xe, không đảm bảo yếu tố nhận diện thống nhất cho phương tiện thí điểm.

Từ đó, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định liên quan đến dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc vào Nghị định quản lý hoạt động vận tải, Thông tư hướng dẫn hoạt động vận tải đường bộ ngay sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông có hiệu lực.

Bộ GTVT đề xuất đưa xe vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc vào quản lý tại Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ như một loại xe buýt nội tỉnh (ảnh minh họa).

Bộ GTVT đề xuất đưa xe vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc vào quản lý tại Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ như một loại xe buýt nội tỉnh (ảnh minh họa).

Quản thế nào?

Theo dự thảo Nghị định, xe buýt nội tỉnh sử dụng xe ô tô thoáng nóc chở khách du lịch phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; phải có phù hiệu "XE BUÝT" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành.

Dự thảo yêu cầu phải công bố danh mục tuyến xe buýt nội tỉnh sử dụng xe ô tô hai tầng thoáng nóc; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến sử dụng nguồn ngân sách địa phương) và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;

Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;

Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách…

Đơn vị kinh doanh vận tải tuyến xe buýt nội tỉnh sử dụng xe ô tô thoáng nóc chở khách du lịch được thực hiện bán vé điện tử cho khách du lịch hoặc hợp đồng vận chuyển khách du lịch hoặc hợp đồng theo chương trình du lịch; kết nối với cơ quan quản lý thuế (nơi đơn vị kinh doanh vận tải kê khai, nộp thuế).

Ngoài ra, phải thực hiện lưu trữ lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 3 năm.

Đặc biệt sẽ được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-quan-chat-xe-o-to-2-tang-cho-khach-du-lich-192240924101913404.htm