Tạo hệ sinh thái quảng bá văn hóa, nghệ thuật

Việc ứng dụng công nghệ số một mặt mở ra cơ hội lưu trữ, gìn giữ di sản văn hóa, tạo không gian phát triển cho nghệ sĩ đương đại; mặt khác giúp thu hút đông đảo công chúng cũng như quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài.

Thay đổi cách tiếp cận

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 5.6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo để khai thác di sản văn hóa, biến di sản thành tài sản, tín hiệu bước đầu khá tích cực. Như Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã phát huy giá trị di tích, di sản xây dựng sản phẩm tinh hoa đạo học, phục vụ du lịch. Cụ thể, trên nền không gian, kiến trúc của di sản, câu chuyện về đạo học Việt Nam kết hợp với công nghệ, ánh sáng đem đến trải nghiệm không gian di sản về đêm ấn tượng.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ứng dụng công nghệ số tạo sự sống động cho di tích. Ảnh: VMQTG

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ứng dụng công nghệ số tạo sự sống động cho di tích. Ảnh: VMQTG

Có thể thấy, đời sống văn hóa, nghệ thuật đương đại đang diễn biến vô cùng đa dạng, phong phú, đặt ra yêu cầu về không gian, môi trường phát triển cũng như biện pháp lưu trữ kết hợp cách thức quảng bá sinh động. Nhìn rộng ra nhiều quốc gia, ứng dụng số hóa trong hoạt động lưu trữ, quảng bá di sản và các tác phẩm nghệ thuật đã được áp dụng từ lâu. Các bảo tàng lớn ở Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… đều ứng dụng kỹ thuật số đưa thêm thông tin về tác phẩm trưng bày, tăng trải nghiệm cho công chúng. Đơn cử, Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan, dùng công nghệ biến không gian triển lãm thành không gian Van Gogh từng đến vẽ tranh, tái kiến tạo màu sắc của nhiều bức tranh nhằm kích thích thị giác của công chúng.

Ở Việt Nam, không riêng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số cũng được một số bảo tàng và tổ chức văn hóa triển khai. Như Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), từ năm 1997 đến nay, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đã tiến hành hơn 800 dự án sưu tầm, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể của nhiều cộng đồng trên cả nước.

Hay trang web Di sản số (disanso.vn) do PGS. TS. Lê Thanh Hà và đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Tương tác người - máy, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, xây dựng, sử dụng công nghệ, lập nên cơ sở dữ liệu đa phương tiện về văn hóa Việt Nam, gồm các dạng thức tư liệu hình ảnh, âm thanh, video, mô hình 3D tĩnh, 3D động…

Một số đơn vị đã tích hợp công nghệ trong định danh, thay đổi phương cách tiếp cận khán giả như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp đưa di sản lên không gian số...

Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, các dự án này không nhiều và hầu hết tập trung vào di sản văn hóa truyền thống, ưu tiên cho công tác lưu trữ, bảo tồn. Sự kết hợp giữa văn hóa nghệ thuật với công nghệ vẫn chưa thật hiệu quả, chưa tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số để khai thác, quảng bá giá trị của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.

Đầu tư đẩy nhanh số hóa

Theo các chuyên gia, đối với di sản truyền thống, bên cạnh trưng bày, triển lãm, việc tích hợp công nghệ trong các không gian văn hóa, nghệ thuật giúp mở rộng trải nghiệm của người xem. Bên cạnh bảo tồn, tránh nguy cơ mất mát di sản, đây còn được coi là cách thổi sức sống vào không gian văn hóa, nghệ thuật, để sản phẩm sáng tạo không nằm im, đóng đinh trong một môi trường khu biệt mà kết nối với quá khứ, hiện tại và tương lai, mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, các nền tảng số vừa cho phép kết nối với đối tượng công chúng đa dạng hơn, vừa tăng khả năng nâng cao nhận thức về các khía cạnh văn hóa ít được biết đến hoặc những nội dung chưa được công bố trước đây.

Hơn nữa, việc có thêm các không gian văn hóa nghệ thuật mới gắn với môi trường số mang lại cơ hội cho nghệ sĩ trẻ, giúp tác phẩm của họ dễ dàng tiếp cận các nhà sưu tập trong và ngoài nước, nhanh chóng tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng, có nhiều thuận lợi khi vươn ra thế giới. Có điều, việc đẩy nhanh tốc độ số hóa để bảo tồn, khai thác và quảng bá di sản đặt ra thách thức không nhỏ khi mặt bằng chung về cơ sở hạ tầng công nghệ dành cho nghệ thuật ở Việt Nam còn hạn chế.

Theo bà Michal Teague, giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo, Trường Đại học RMIT, số hóa di sản hay tác phẩm nghệ thuật không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về tiền bạc, thời gian, tâm sức và trang thiết bị kỹ thuật. “Thách thức thường gặp đối với các đơn vị văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn đầu tư và thiếu trang thiết bị kỹ thuật để số hóa các di sản, hiện vật văn hóa một cách bài bản. Đấy là chưa nói đến khoảng trống nguồn lực dành cho các không gian nghệ thuật đương đại”.

Nhìn riêng lĩnh vực nghệ thuật đương đại, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thực hành của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam rất đều đặn nhưng chỉ được giới thiệu thưa thớt và thiếu tính hệ thống nên chưa đem đến cái nhìn đầy đủ cho công chúng. Điều này tạo nên sự thiếu hụt lớn, làm chậm quá trình phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

“Bên cạnh các không gian nghệ thuật do các tổ chức, đơn vị tư nhân nỗ lực xây dựng, trong tương lai gần, Việt Nam cần một nền tảng số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm ảnh hưởng, dễ tiếp cận. Thông qua số hóa góp phần thúc đẩy hình thành hệ sinh thái lưu trữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tao-he-sinh-thai-quang-ba-van-hoa-nghe-thuat-i374765/