Tảo hôn rồi sinh con sớm, dang dở ước mơ ở tuổi trăng tròn

Ở tuổi 17, trong khi các bạn vẫn đang đi học thì Đinh Thị Kim Hằng (sinh năm 2007, người Ba Na, ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) ở nhà 'ôm' cậu con trai gần 1 tuổi.

 Lễ ra mắt CLB “Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định)

Lễ ra mắt CLB “Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định)

Ở xã nghèo như Canh Liên, được cha mẹ đầu tư cho đi học ở trường THPT nội trú của tỉnh như Kim Hằng là không nhiều. Xuống thành phố Quy Nhơn học, cô gái người Ba Na Đinh Thị Kim Hằng mang theo nhiều hoài bão.

Ước mơ của Hằng lúc đó là sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi du học. Thế nhưng, ước mơ ấy thành dở dang khi năm học lớp 10, Hằng phải nghỉ học để đi lấy chồng.

"Do em chủ quan, cứ nghĩ quan hệ tình dục không thường xuyên sẽ không để lại hậu quả. Cuộc sống của em giờ quanh quẩn ở nhà với việc chăm con nhỏ và quán xuyến nhiều việc khác", Hằng chia sẻ.

Một ngày ở nhà của Hằng dài dằng dặc khi cả ngày "ôm" con, nấu cơm đợi bố mẹ về. Chồng của Hằng sinh năm 2005, đang đi nghĩa vụ quân sự. Chia sẻ về việc kiếm tiền nuôi con, Hằng cho biết, cô từng đi làm keo thuê nhưng cô không đủ sức khỏe để làm.

Để có tiền nuôi con, cô phải trông chờ vào sự hỗ trợ của bố mẹ và khoản hỗ trợ hộ cận nghèo là 540 nghìn đồng/tháng. Hằng cho biết, hiện cô chưa biết làm gì để kiếm sống.

"Em dự tính sau này sẽ bán hàng online với các mặt hàng như quần áo, giày dép… Thế nhưng, ở vùng quê nghèo này, em không biết công việc có duy trì được không?", Hằng chia sẻ.

Cuộc sống của Đinh Thị Kim Hằng giờ quanh quẩn ở nhà với việc chăm con nhỏ

Cuộc sống của Đinh Thị Kim Hằng giờ quanh quẩn ở nhà với việc chăm con nhỏ

Kim Hằng không phải là trường hợp tảo hôn duy nhất ở xã Canh Liên nói riêng, huyện Vân Canh nói chung. Một số cô gái bằng tuổi Hằng cũng phải nghỉ học vì mang thai ngoài ý muốn.

Nhằm xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã thành lập 4 câu lạc bộ (CLB) "Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại các trường dân tộc bán trú và nội trú trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã thành lập 3 CLB tại các trường: Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh); PTDT bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); PTDT bán trú An Lão (huyện An Lão). Mới đây là CLB "Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh).

CLB "Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại Trường THCS bán trú Canh Thuận được thành lập với 72 thành viên. Mục đích là để các thành viên tham gia trao đổi kinh nghiệm trong việc tuyên tuyền, tổ chức các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

CLB sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần, với nội dung cập nhật thông tin; nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thanh niên; giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao

Tham gia giải quyết vấn đề tảo hôn, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Vân Canh phối hợp với Hội LHPN xã Canh Thuận tổ chức ra mắt CLB "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Canh Thuận".

"Có 30 thành viên tham gia CLB. Chúng tôi đã đề nghị Hội LHPN xã Canh Thuận tiếp tục nhân rộng CLB này đến 8 thôn, làng trên địa bàn xã; đồng thời, tuyên truyền để hội viên phụ nữ biết được tác hại của việc tảo hôn đối với gia đình, đặc biệt là với người tảo hôn", chị Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho biết.

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tao-hon-roi-sinh-con-som-dang-do-uoc-mo-o-tuoi-trang-tron-2024071016541626.htm