Tạo hướng đi bền vững cho sản phẩm đặc trưng
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm triển khai, tạo điều kiện quảng bá, phát huy lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là nông sản chủ lực.Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Cẩm Sơn đăng ký sản phẩm OCOP sầu riêng trái cây tươi và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thời gian qua, HTX Cẩm Sơn xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn. Hiện nay, HTX có 20,3 ha sầu riêng sản xuất theo chuẩn VietGAP và đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn cho biết: “Áp dụng quy trình sản xuất đạt chất lượng, sản phẩm sầu riêng của HTX Cẩm Sơn đã được khách hàng và nhiều doanh nghiệp biết đến. Sản phẩm sầu riêng trái cây tươi của HTX Cẩm Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của thành viên HTX, từ việc ứng dụng quy trình canh tác an toàn đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong năm 2023, HTX tiếp tục mở rộng diện tích canh tác sầu riêng theo chuẩn VietGAP, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch và mong muốn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ, quảng bá sản phẩm”.
Năm 2021, Công ty TNHH Trà túi lọc Ngọc Hưng (ấp Tân Thái, xã Tân Phong) có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Trà túi lọc, Trà dưỡng nhan và Trà tâm sen Ngọc Hưng. Ông Nguyễn Ngọc Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Trà túi lọc Ngọc Hưng cho biết, sản phẩm được chế biến, đóng gói bằng công nghệ tiên tiến, quy trình khép kín và được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Trà túi lọc Ngọc Hưng được bán rộng rãi trên thị trường và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada …
Thời gian qua, huyện Cai Lậy triển khai Chương trình OCOP đến các xã, thị trấn; quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là nông sản chủ lực. Chương trình đã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 7 chủ thể đăng ký tham gia; trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao.
Huyện Cai Lậy phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 20 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên trang thông tin điện tử của huyện, xã và mạng xã hội; ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Địa phương cũng tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Cụ thể, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, chủ thể phát triển sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đã được công nhận, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc, xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc cho biết: “Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP đều đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp...”.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202304/tao-huong-di-ben-vung-cho-san-pham-dac-trung-975145/