Tạo hướng đi cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ

Khu vực duyên hải của tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động, bước đầu có những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi cho loại hình doanh nghiệp này để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Trang trại dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Trang trại dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Chủ động thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ

Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp Eden Hub ở xã Hàm Thuận Bắc hoạt động lĩnh vực số hóa nông nghiệp, là doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH & CN) thứ tư được thành lập ở khu vực duyên hải tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đức - Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Lâm Đồng là địa phương giàu tiềm năng nông nghiệp, năng lượng và tài nguyên, là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá nếu biết lựa chọn triển khai hiệu quả các mô hình KH & CN vào sản xuất. Nền tảng của Eden Hub nhằm giúp các trang trại, hộ sản xuất ghi chép nhật ký điện tử theo chuẩn; quản lý diện tích, sản lượng, lịch canh tác theo thời gian thực; xuất mã QR truy xuất nguồn gốc theo từng lô sản phẩm; tích hợp với hệ thống thương mại điện tử, tài chính, kỹ thuật số. Mới đây, Eden Hub đã ký kết với Sàn thương mại điện tử Felix (TP Hồ Chí Minh) trong ứng dụng KH & CN, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông dân đưa nông sản lên sàn và đính kèm mã QR code truy xuất nguồn gốc”.

Thông qua các hội thảo của Sở KH & CN, hợp tác với Hội Nông dân các tỉnh, Eden Hub triển khai các buổi tập huấn cho đông đảo chủ trang trại, hộ nông dân. Qua đó, đã có hơn 500 hộ trong, ngoài tỉnh tải app, sử dụng; gần 600 ha diện tích canh tác được số hóa (chanh dây, gừng, đậu bắp, bắp sinh khối…). Tuy nhiên, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, mô hình doanh nghiệp KH & CN gặp không ít thách thức, trở ngại. “Eden Hub cần được hỗ trợ về các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp KH & CN; tiếp cận quỹ đất để triển khai các mô hình áp dụng KH & CN kết hợp chuyển đổi số cho nông nghiệp. Bên cạnh, địa phương cần có chính sách công nhận dữ liệu số, hỗ trợ tích hợp, tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái quản lý sản xuất nông nghiệp số hóa cho Eden Hub hiện nay”, ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Lãnh đạo Công ty Eden Hub (bên phải) ký kết hợp tác với đại diện Felix

Lãnh đạo Công ty Eden Hub (bên phải) ký kết hợp tác với đại diện Felix

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước đó, khu vực duyên hải tỉnh đã có 3 doanh nghiệp KH & CN thành lập, hoạt động là: Công ty TNHH Thanh long Bình Thuận, Công ty TNHH Công nghệ Việt Nhật BIO, Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà. Ông Lê Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Bình Thuận cho hay: “Ðặc điểm kinh doanh sản phẩm sáng chế của doanh nghiệp KH & CN thường gặp nhiều khó khăn, bởi đây là sản phẩm mọi người chưa biết, thị trường chưa tiêu thụ. Do đó, doanh nghiệp khó tìm được vật liệu để tiến hành sản xuất thử, khó thực hiện thiết kế và định hình quy trình sản xuất. Một sản phẩm sáng chế phải qua quá trình làm việc tìm giải pháp, thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) với chi phí rất nhiều, lặp lại nhiều lần, vượt qua các lần thất bại để tạo ra sản phẩm cuối. Bản thân doanh nghiệp cần định hướng phát triển doanh nghiệp KH & CN mới đi đến thành công”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể hỗ trợ hiệu quả, các sở, ngành liên quan cần dựa trên phân tích những khó khăn, thuận lợi khi một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH & CN, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, phát huy tốt việc áp dụng những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa góp phần giúp doanh nghiệp đạt được các điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp ở địa phương cần mạnh dạn đầu tư đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH & CN nhiều hơn, góp phần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Trong khuôn khổ liên quan, bà Mai Thanh Nga - Phó Giám đốc Sở KH & CN Lâm Đồng cho biết, thông qua hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH & CN tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để thành lập, quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp theo loại hình này, hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định. Doanh nghiệp hoạt động theo hướng này nằm trong Chương trình phát triển thị trường KH & CN của tỉnh. Theo đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, nhất là những mặt hàng có lợi thế như: thanh long, chế biến hải sản, cao su, mủ trôm, sầu riêng, nhãn xuồng...

Bà Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư lập quỹ phát triển KH & CN, hình thành doanh nghiệp KH & CN theo xu hướng chuyển đổi xanh của Chính phủ. Theo đó, sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi trong miễn giảm thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ, theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể hóa Thông tư số 03/2021 ngày 11/1/2021 của Bộ Tài chính. Cụ thể, các đơn vị thành lập dưới 5 năm, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có doanh thu từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH & CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này được miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sản xuất, kinh doanh.

Thái Khoa

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/tao-huong-di-cho-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-382125.html