Tạo không gian trải nghiệm cho học sinh

Những năm qua, các nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (TNHN) để cụ thể hóa, sinh động các tiết học trải nghiệm. Thay đổi không gian, nội dung và giao nhiệm chủ động cho học sinh để phát huy tính tích cực của người học. Hoạt động TNHN đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục học sinh ở nhà trường phổ thông hiện nay.

Chương trình “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức tại Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Chương trình “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức tại Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức hoạt động TNHN trong nhà trường phổ thông những năm qua còn khá nhiều vấn đề đặt ra. Đó là hình thức tổ chức chưa được đa dạng, phong phú, chưa đổi mới về phương pháp và cách thức. Có tiết học còn lệ thuộc khá nhiều vào chủ đề trong sách giáo khoa, tổ chức gắn nhiều với không gian lớp học. Vì thế học sinh chưa có cơ hội được trải nghiệm nhiều và hiệu quả các tiết học chưa cao.

Từ góc nhìn của cán bộ quản lý giáo dục ở bậc tiểu học, thầy giáo Hoàng Ngọc Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Lợi (Hạ Hòa) cho rằng: “Việc tổ chức hoạt động TNHN những năm học qua còn nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, sự phối hợp của phụ huynh học sinh; việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức trải nghiệm cho học sinh”.

Cùng nói về những khó khăn khi tổ chức hoạt động TNHN ở bậc THPT, thầy giáo Phan Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Lâm (Đoan Hùng) chia sẻ: “Hiện tại chưa có đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy hoạt động TNHN, việc sắp xếp thời gian, không gian, tổ chức các hoạt động sinh động, cụ thể cho học sinh trải nghiệm sao cho khoa học, hiệu quả gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức cần hướng đến sự trực quan, thực tiễn nhưng khi tổ chức lại gặp khó khăn về kinh phí”.

Là một phụ huynh học sinh, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Ấm Hạ, Hạ Hòa) cho biết: “Tôi có 2 con đang học phổ thông, cháu lớn học lớp 9, cháu nhỏ đang học lớp 6. Mỗi khi nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệp, về nhà các cháu rất vui, kể về những việc đã cùng các bạn thực hiện khi được thầy, cô giáo giao cho. Tôi nghĩ rằng, các con tham gia hoạt động trải nghiệm sẽ là không gian giáo dục hiệu quả để phát triển kỹ năng”.

Có thể thấy rằng, đúng như tên gọi của hoạt động giáo dục với hai nội hàm cơ bản là “trải nghiệm” và “hướng nghiệp”, khi tổ chức hoạt động TNHN ở nhà trường phổ thông cần phải làm rõ 2 mục tiêu cơ bản, trọng tâm này. Bước vào tiết học, học sinh phải được trải nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau, bằng các phương pháp tổ chức khác nhau để từ đó các em có những định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Để tổ chức hiệu quả hoạt động trải TNHN, trước hết, các nhà trường cần xây dựng tốt kế hoạch tổ chức hoạt động trải TNHN ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở tổng số tiết học, cần cụ thể hóa các nội dung hoạt động trong từng chủ đề của từng tuần, từng tháng nhằm định hình, có phương án chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức theo kế hoạch. Các nhà trường tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, các địa phương, cơ quan, ban, ngành để tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, giáo viên cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức trải nghiệm cho học sinh theo hướng từ những vấn đề gợi ý trong từng chủ đề, lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp với lứa tuổi học sinh, với điều kiện thực tiễn của nhà trường, địa phương. Từ đó, có kế hoạch giao nhiệm vụ, dự kiến sản phẩm sau khi chủ đề kết thúc, chú trọng những nhiệm vụ gắn với hoạt động các em học sinh trực tiếp làm, trực tiếp đánh giá và báo cáo kết quả.

Tích cực tổ chức trải nghiệm ngoài không gian lớp học để các em gắn hoạt động trải nghiệm với thực tiễn cuộc sống sinh động. Có thể tổ chức cho các em tham gia hoàn thành công việc được giao tại sân trường, nhà đa năng, phòng truyền thống, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay xa hơn là các di tích lịch sử trên địa bàn, các nhà máy, làng nghề, các mô hình kinh tế gần khu vực nhà trường.

Trong quá trình tổ chức hoạt động TNHN cần linh hoạt, sáng tạo về thời gian, đa dạng hóa các hình thức tổ chức trải nghiệm tại chỗ, tránh việc huy động kinh phí từ phụ huynh để tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch rồi lồng ghép vào đó nội dung trải nghiệm. Cần khơi gợi ở học sinh sự hứng thú trong khi tham gia trải nghiệm, tác động dần dần vào nhận thức của các em qua từng lời nói, việc làm cụ thể, qua những sản phẩm cụ thể của từng hoạt động trải nghiệm.

Dù tổ chức dưới hình thức nào, phương pháp nào, điều kiện ra sao, các nhà trường cần thể hiện rõ nét bản chất của hoạt động TNHN, trong đó học sinh là trung tâm, các em phải được trải nghiệm. Qua trải nghiệm, theo thời gian, các em sẽ dần hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết của bản thân để ứng xử và thực hành trong đời sống, dần hình thành những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tao-khong-gian-trai-nghiem-cho-hoc-sinh-221900.htm