Tạo khung khổ pháp lý hoàn thiện để ngăn chặn tội phạm mua bán người
Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập một khung khổ pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người. Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn quy định về việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý và tâm lý xã hội.
Công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Việt Nam và các nước trên thế giới quan tâm, đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua. Cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những nước sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người.
Với việc tham gia vào các điều ước này, Việt Nam không chỉ nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế mà còn mạnh mẽ thực thi pháp luật quốc gia, điều chỉnh pháp luật quốc gia để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Nổi bật là, năm 2011, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người. Cùng năm, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2549/2011/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Quyết định số 2550/2011/QĐ-CTN về việc gia nhập Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em...
Ngoài ra, Việt Nam đã có nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình; tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của nước ta trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế đã tham gia. Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người. Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn quy định về việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý và tâm lý xã hội.
Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam đã phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người với 3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân. Trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi...
Theo Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), dự báo từ nay đến hết năm 2024, tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp; phương thức phạm tội đan xen giữa truyền thống và lợi dụng không gian mạng để phạm tội. Do đó, Thượng tá Đinh Văn Trình nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương xây dựng dự án Luật Phòng, chống tội phạm mua bán người (sửa đổi) theo đúng tiến độ đề ra nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.