Tạo lá chắn từ rừng bần chua
Rừng bần chua cùng tuyến đê biển dài 7,8 km ở cù lao Bắc Phước, tỉnh Quảng Trị không những đóng vai trò lá chắn cản gió, ngăn sóng, giữ làng mà còn là nơi trú ngụ an toàn cho các loài chim trời
Cù lao Bắc Phước - thuộc xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - bốn phía được bao bọc bởi sông Thạch Hãn và sông Hiếu, rộng khoảng 4 km2, cách cửa biển chừng 4 km với nguồn thủy hải sản nước lợ phong phú, đa dạng.
Đẩy lùi mọi bất lợi từ thiên nhiên
Cù lao Bắc Phước từng là "ốc đảo" biệt lập với khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng, người dân đối mặt với sương muối, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Mùa mưa, lũ từ thượng nguồn hung dữ đổ về kết hợp với sóng biển, triều cường dâng cao khiến cù lao này chìm trong biển nước. Vì thế, cuộc sống của người dân địa phương này trước đây rất khó khăn, luôn phập phồng lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về.
Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Triệu Phước, cho biết người dân Bắc Phước chỉ vơi bớt nỗi lo khi tuyến đê biển dài 7,8 km bao quanh thôn được đầu tư, xây dựng. Tuyến đê kiên cố này rộng 5 m, được xây dựng trên nền đê cũ của người dân Bắc Phước bao đời đào đắp thủ công.
Để giữ tuyến đê, vào năm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cấp và bảo vệ đê điều của trung ương, khu rừng ngập mặn bằng cây bần chua ở đây hình thành. Đến nay, diện tích rừng bần chua đã được mở rộng hơn 40 ha và đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Cây bần chua ở cù lao Bắc Phước phần lớn được trồng nơi cửa sông. Lâu nay, người dân ví cánh rừng này như "bức tường xanh" chắn sóng, ngăn mặn và chống sạt lở cho tuyến đê biển. "Không những vậy, rừng bần chua ở Bắc Phước còn tạo cảnh quan đẹp, góp phần điều hòa, cân bằng môi trường sinh thái. Từ khi có tuyến đê biển và rừng bần chua, mọi bất lợi từ thiên nhiên trước đó dường như được đẩy lùi, đời sống của người dân Bắc Phước ngày càng được bảo đảm" - ông Vui nhấn mạnh.
Theo ông Trương Xuân Luật, Trưởng thôn Bắc Phước, thôn có hơn 340 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu. Những năm qua, rừng bần chua ở cù lao Bắc Phước được giao trực tiếp cho các chủ đầm nuôi thủy sản quản lý, bảo vệ. Người dân biết được vai trò quan trọng của rừng bần chua và những giá trị mà nó mang lại nên có ý thức bảo vệ rất cao. Vì thế, đến nay, địa phương chưa ghi nhận vụ việc nào ảnh hưởng đến cánh rừng ngập mặn này.
"Ngôi nhà" của chim trời
Giữa tháng 3, bầu trời ở cù lao Bắc Phước trong veo. Bên những ô ruộng xanh mướt là những vuông tôm đang phơi khô chờ vụ nuôi mới. Từng đàn cò trắng, diệc xám, sáo sậu... nối nhau bay lượn trên không trung. Thấp thoáng nơi cửa sông Thạch Hãn, sông Hiếu là cảnh người dân chèo ghe nương theo con nước bạc mưu sinh. Cảnh vật làng quê thật yên bình.
Sau khi chạy xe máy một vòng theo tuyến đê biển kiên cố bao quanh cù lao Bắc Phước, chúng tôi dừng lại ở đầm Hà Khống. Đây là nơi nuôi trồng, khai thác thủy hải sản của gia đình ông Trương Quang Lĩnh (ngụ thôn Bắc Phước) với diện tích khoảng 22 ha. Hôm ấy, ông Lĩnh đang đẩy chiếc ghe nhỏ nương theo con nước thả lưới, đặt lờ đánh bắt thủy sản. Thấy khách lạ đến, ông rủ: "Chú cứ lên ghe, tui chở đi ngó rừng bần chua một lúc cho vui".
Ghe cứ thế xuôi theo dòng nước bạc. Chiều về, thủy triều rút nên nước chỉ cao ngang lưng quần. Hàng ngàn con chim trời (cò trắng, diệc xám, triết...) sà xuống kiếm ăn ở những mô đất nổi giữa đầm Hà Khống. Sau khi ăn no, chúng lại bay lên đậu trắng trên ngọn bần chua.
Ở khu vực này còn có vịt trời sinh sống, mỗi đàn lên đến vài chục con. Sở dĩ các loài chim trời gắn bó với rừng bần chua Bắc Phước là vì chúng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và nguồn thức ăn dồi dào.
Ông Lĩnh cho hay trước đây ở cù lao Bắc Phước, khi chưa có rừng bần chua thì chim trời rất hiếm. Thế nhưng, khi rừng bần chua hình thành, chim trời kéo về trú ngụ rất đông. Nhiều loài chim còn ở lại làm tổ, đẻ con nên số lượng ngày càng tăng.
"Hiện nay, rừng bần chua Bắc Phước có hàng ngàn con chim trú ngụ ổn định. Vào mùa mưa bão, số lượng chim di cư đến đây lên đến hàng chục ngàn con. Chúng đậu trắng rừng bần chua, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm trong Sách đỏ" - ông Lĩnh hào hứng.
Ông Trương Xuân Luật kể trước đây, khi đàn chim mới tìm về trú ngụ ở rừng bần chua, một số người đã lợi dụng đêm tối để săn bắt. Mỗi lần nghe đàn chim đập cánh bay nháo nhác, kêu bầy vang trời, các chủ đầm lại chèo ghe ra ngăn chặn. Sau nhiều lần giải thích, quyết liệt bảo vệ chim trời, đến nay không còn ai tìm đến săn bắt nữa.
"Không những các chủ đầm mà mỗi người dân trong thôn đều có ý thức bảo vệ chim trời. Chúng tôi luôn bảo nhau đất lành chim đậu, chim có đậu thì đất mới lành. Vì thế, phải tạo môi trường tốt để giữ chân chúng" - ông Luật nhìn nhận.
Không ngừng gia tăng rừng ngập mặn
Trong năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng mới hơn 43 ha rừng ngập mặn tại các cửa sông Bến Hải, Thạch Hãn thuộc 5 xã của 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Qua theo dõi, số diện tích được trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngành chức năng kỳ vọng khi những cánh rừng ngập mặn hình thành sẽ đóng vai trò lá chắn, bình phong nơi cửa sông và tạo môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống, góp phần tăng tính đa dạng sinh học trong khu vực. Ngoài ra, rừng ngập mặn sẽ tăng cường độ che phủ, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và góp phần bảo vệ cộng đồng dân cư trong vùng trước thiên tai, bão lũ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/tao-la-chan-tu-rung-ban-chua-20220320194342029.htm