Tạo lập hành lang pháp lý quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng
Để tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà, đất nói chung và quỹ nhà, đất chuyên dùng nói riêng là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về việc này. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo nghị định.
Còn lúng túng trong vận hành, quản lý quỹ nhà, đất
Bộ Tài chính cho biết, việc hình thành quỹ nhà chuyên dùng được bắt nguồn từ việc tiếp quản các quỹ nhà sau giải phóng Thủ đô và giải phóng miền Nam. Quỹ nhà thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý để cho thuê.
Một phần nhà, đất được hình thành sau này do tiếp nhận quỹ nhà, đất dôi dư khi Nhà nước thực hiện sắp xếp, xử lý lại của các cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước, hoặc tiếp nhận từ các chủ đầu tư giữ lại, bố trí cho các đơn vị của tỉnh, thành phố sử dụng, cho các tổ chức, cá nhân thuê để sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, loại hình của “Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà”, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà, phương thức khai thác, xử lý nhà, đất… hiện nay còn có sự khác nhau giữa các địa phương. Cụ thể như tại Hà Nội, chính quyền thành phố đã giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Xây dựng, UBND 2 quận/thị xã, 2 doanh nghiệp (100% vốn nhà nước) quản lý cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức kinh tế của nhà nước thuê hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức sử dụng.
Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, hiện nay, có 31 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà. Các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước), đang thực hiện quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619,0m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6m2.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trước ngày 6/6/2013, công tác quản lý nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước được giao cho Sở Xây dựng, UBND các quận/huyện, Công ty TNHH MTV quản lý, kinh doanh nhà thành phố và các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận/huyện làm đơn vị quản lý, giữ hộ Nhà nước. Từ năm 2007, với chủ trương xây dựng mô hình tập trung thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ và quỹ nhà, đất thuộc sở hữu toàn dân do địa phương quản lý, UBND thành phố đã thành lập Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng), để tiếp nhận toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố để quản lý vận hành.
Mặc dù, pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng này, nên trên thực tế, các địa phương còn lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch nên bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng nghị định của Chính phủ nhằm tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất
Tại dự thảo nghị định có đưa ra nguyên tắc, việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để chuyên nghiệp hóa việc quản lý quỹ nhà, đất trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, dự thảo nghị định giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm quản lý theo nguyên trạng (tổ chức thực hiện trông coi, bảo vệ tài sản, không được để lấn chiếm) đối với quỹ nhà đất này. Trường hợp có nhu cầu cho thuê trong thời gian chưa thực hiện xử lý, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà tổng hợp vào kế hoạch quản lý, khai thác nhà, đất để báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc cho thuê chỉ được thực hiện ngắn hạn và khi có quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền thì phải chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại nhà, đất để xử lý theo quy định.
Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà, đất khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định về quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác, trong đó có: nhà, đất đã có văn bản của UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành; nhà, đất thực tế tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà đã quản lý, khai thác trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao tài sản của UBND cấp tỉnh; nhà, đất được giao cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác quản lý, khai thác nhưng nay được UBND cấp tỉnh quyết định giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác theo quy định tại nghị định này...
Về hình thức quản lý, khai thác nhà, đất, dự thảo quy định 3 hình thức quản lý, khai thác là: cho thuê nhà; bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả nhất./.