Tạo 'lối mở' cho lao động tự do nghèo tham gia BHYT
Lao động tự do có thu nhập thấp không dễ bỏ tiền túi để tham gia BHYT, đặc biệt là những gia đình có 2 người tham gia.
Khó vận động tham gia BHYT
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước. Lao động phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thiếu sự ổn định, thông thường không có hợp đồng hoặc chỉ thỏa thuận bằng miệng, thu nhập thấp với nhiều công việc nặng nhọc và đầy rủi ro.
Thế nhưng đây cũng là nhóm khó vận động tham gia BHYT nhất. Và khi đã không tham gia, họ cũng viện đủ mọi lý do.
Anh Hoàng Văn Thanh (37 tuổi ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) ai thuê gì làm nấy, thu nhập cũng chỉ khoảng 4-5 triệu/tháng. Đã nhiều lần chính quyền địa phương vận động anh tham gia BHYT hộ gia đình nhưng anh đều từ chối. Cách đây vài ngày, anh bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm và bị vỡ xương bánh chè nên anh phải vào bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hai làm nông nghiệp nên chỉ đủ sinh hoạt. Ngày con bị nạn, trong nhà không có tiền nên bà phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải viện phí. Dù biết được lợi ích mà BHYT mang lại nhưng bà vẫn ngập ngừng khi được hỏi, sau này có tham gia BHYT hay không, vì bà nói, 2 mẹ con đóng hơn triệu bạc là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình bà.
Giống hoàn cảnh của bà Hai, hàng ngày, chị Nguyễn Thị Lý ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đến chợ Long Biên, Hà Nội để bưng bê, thồ hàng. Những tháng khỏe, thu nhập của chị được khoảng 7 triệu, còn những tháng yếu, chỉ 3-4 triệu. Chồng chị lại triền miên đau ốm nên chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao. "Nếu bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua BHYT cho 2 vợ chồng thì không lấy đâu ra vì kiếm cũng chỉ đủ ăn" - chị Lý giãi bày.
Dù rằng tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt trên 90% nhưng trong số 10% còn lại, lực lượng lao động phi chính thức lại chiếm một tỷ lệ khá lớn, do họ có thu nhập không ổn định và ít nghĩ đến việc tham gia BHYT để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật nên rất cần một chính sách đặc biệt để hỗ trợ người lao động tự do nghèo tham gia BHYT.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, BHYT giúp người dân, người nghèo khó khăn tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian qua đã thể hiện rõ điều này, hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm. Hầu hết các dịch vụ y tế đều chi trả 100% các dịch vụ, không phải trả thêm tiền, đây là chính sách ưu việt của nhà nước ta với bảo hiểm đối với chăm sóc sức khỏe của người dân.
Độ bảo phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, đối với BHYT, Việt Nam mặc dù đi sau các nước trên thế thế giới, khởi động BHYT muộn hơn so với các nước, nhưng chúng ta tăng nhanh độ bao phủ đối với BHYT. Đến năm 2020, độ bảo phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%, tăng rất nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Về dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là mở rộng phạm vi, quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT, theo Bộ trưởng, chúng ta đóng ở mức độ trung bình thấp đối với các nước, nhưng các dịch vụ y tế chất lượng thì hầu hết người dân được hưởng. Phạm vi hưởng bảo hiểm y tế cao hơn nhiều so với mức đóng BHYT.
Bên cạnh đó, cần liên tục có những đổi mới trong vấn đề quản lý, công khai minh bạch, giám sát, thẩm định, quyết toán... khi kết nối với tất cả các cơ sở y tế.
Ý kiến các ĐBQH cũng cho rằng, việc tham gia BHYT trong thời gian qua đạt vượt mục tiêu khi thực hiện chuyển tham gia BHYT với tinh thần là BHYT bắt buộc chứ không phải tự nguyện. Do vậy, mọi người dân đều có thể tiếp cận được BHYT. Các nhóm đối tượng cũng được NSNN hỗ trợ.
Về y đức, mức độ hài lòng của người dân cải thiện khá nhiều. Ngành y tế nỗ lực cải tiến đạt chỉ số hài lòng của người dân, đạt mức ấn tượng so với 10 năm trước đây. Đến nay, đã hoàn thành 8 chỉ tiêu trong Nghị quyết 68, hiện còn 4 chỉ tiêu hoàn thành 1 phần.
Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%).
Về chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã: có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 92,8%; thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đạt 48,8%; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94,4%. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 45,6%.
Bên cạnh đó, ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗi trợ chuyên môn và đã cứu sống nhiều bệnh nhân… Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế./.