Tạo lợi thế vùng miền cho từng sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Sơn La có hàng trăm sản phẩm tham gia Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm-OCOP' đã được công nhận, xếp hạng từ 3-4 sao, đặc biệt, có 1 sản phẩm được công nhận 5 sao. Vậy trong thời gian tới, Sơn La sẽ phát triển sản phẩm OCOP như thế nào? Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có cuộc trò chuyện với phóng viên cơ quan báo chí.
Phóng viên (PV): Sơn La được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế ở khu vực phía Bắc về nông nghiệp. Vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ làm gì để phát huy tiềm năng, lợi thế này, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thành Công: Trong những năm qua, Sơn La đã quyết liệt trong tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, tỉnh lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng điểm. Lý do thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của Sơn La rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Từ năm 2015, Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc để thay thế trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Các loại cây trồng kém hiệu quả như ngô, sắn được thay thế bằng các loại cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của Sơn La vào khoảng 82.000ha, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 450.000 tấn. Khi có sản lượng tốt, Sơn La tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản cả trong và ngoài nước. Hiện nay, Sơn La có khoảng 840 HTX nông nghiệp và các nhà máy chế biến của các công ty, tập đoàn lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty Cổ phần Aceecook Việt Nam...
PV: Là tỉnh có nhiều lợi thế về nông nghiệp, việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP” của địa phương được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thành Công: Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm OCOP ở những vùng có lợi thế và có khả năng cạnh tranh. Những sản phẩm đó phải có định hướng phát triển bền vững chứ không theo số lượng. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28-2-2020 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đề án quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc và chương trình hỗ trợ xúc tiến sản phẩm OCOP.
Tất cả các sản phẩm OCOP khi đạt 3 sao trở lên phải giữ được thương hiệu, có tính lan tỏa cao, khẳng định được chất lượng và khả năng phát triển thị trường như: Cà phê bột nguyên chất Bích Thao (5 sao), chè Thu Đan, cá tép dầu đặc sản nước lạnh... Hiện toàn tỉnh có 123 sản phẩm OCOP (3-4 sao), 1 sản phẩm 5 sao. Năm 2023, Sơn La sẽ xây dựng thêm 2 sản phẩm 5 sao. Việc phát triển sản phẩm OCOP chính là giúp đỡ, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển kinh tế.
PV: Việc phát triển OCOP đã gặp phải những hạn chế gì và đâu là giải pháp để Sơn La phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thành Công: Hạn chế về sản phẩm OCOP của Sơn La cũng như các địa phương khác là nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, quy mô sản xuất chưa cao. Hơn nữa, nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm OCOP của HTX lẫn doanh nghiệp đều thiếu và yếu, cả về năng lực quản trị lẫn tài chính. Đặc biệt, việc nghiên cứu chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường quảng bá sản phẩm OCOP cũng chưa được chú trọng.
Điều đáng nói nữa là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các HTX, người dân, xã, bản... về sản phẩm OCOP cũng chưa đầy đủ; thậm chí, một số cán bộ xã còn chưa biết sản phẩm OCOP là gì. Nếu bản thân cán bộ lãnh đạo chưa hiểu mình làm ra các sản phẩm OCOP để làm gì và được những gì thông qua các sản phẩm đó thì không bao giờ có thể làm ra được sản phẩm OCOP. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được tập trung để tạo sức lan tỏa trong sản xuất, tạo đà cho phát triển kinh tế hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp thông qua sản phẩm OCOP, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn; điều quan trọng nhất là tạo được lợi thế vùng miền cho từng sản phẩm OCOP.
PV: Đối với những sản phẩm OCOP đã đạt 3-4 sao, Sơn La sẽ làm gì trong thời gian tới để nâng tầm, nâng chất sản phẩm này?
Đồng chí Nguyễn Thành Công: Như tôi đã nói, muốn phát triển được sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao thì phải tạo ra được những sản phẩm đặc trưng nhất, có lợi thế và phát triển nó ở tầm vóc, quy mô lớn hơn. Chẳng hạn, trong 5 sản phẩm OCOP về quả mận của Sơn La thì phải chọn sản phẩm nào để quảng bá, giới thiệu ra thị trường.
Khi những sản phẩm đó được nâng cấp, phát triển thì những sản phẩm OCOP khác trên địa bàn cũng sẽ được kích cầu, phát triển theo, nhất là những sản phẩm có khả năng sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn. Nếu không làm được như thế thì sản phẩm OCOP mãi mãi chỉ là sản phẩm nhỏ, lẻ, manh mún và thậm chí còn đi xuống. Việc phát triển du lịch để kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cũng sẽ giúp cho các sản phẩm OCOP ở Sơn La được nhiều người biết đến hơn trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN KIỂM (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.