Tảo mộ ngày Tết thế nào cho đúng?
Tảo mộ là phong tục để thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên vào dịp cuối năm.
Nét đẹp văn hóa này đã trở thành truyền thống của dân tộc. Cứ vào những ngày cuối năm, các gia đình lại chuẩn bị cùng nhau đi làm lễ tảo mộ.
Tảo mộ, hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Ngày tảo mộ không chỉ sửa sang lại phần mộ cho gọn gàng, sạch đẹp mà còn là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy, giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong một năm với gia đình, dòng họ. Điều này thể hiện tính nhân văn trong văn hóa Việt: Coi các tiền nhân đã khuất như vẫn đang hiện diện cùng mọi người, và cũng là cách nhắc nhở để mọi người không nên làm những việc phải hổ thẹn với gia tiên tiền tổ.
Việc tảo mộ thường được các gia đình tổ chức vào những ngày cuối cùng của tháng chạp hằng năm, trước khi làm cơm cúng Tất niên. Lễ tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về.
Các gia đình thực hiện nghi thức tảo mộ từ sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo đến chiều 30 Tết hoặc 29 Tết. Thông thường, các gia đình đi xa thường tảo mộ sớm nhưng những gia đình tại các vùng quê, ở gần phần mộ tổ tiên thì thực hiện truyền thống này phổ biến nhất là vào ngày cuối cùng trong năm, trước bữa cơm Tất niên.
Lễ vật đem đi tảo mộ không cần quá cầu kỳ, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình mà có thể soạn sửa lễ vật khác nhau. Quan trọng nhất là thể hiện được tấm lòng thành, sự biết ơn của con cháu đối với người thân đã khuất.
Người đi tảo mộ cần chuẩn bị nến, trà, rượu, nước, tiền vàng, trầu cau, nhang và trái cây. Các gia đình có thể cúng chay hoặc lễ mặn. Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh, gạo, muối, chén mật, xôi chè…. Lễ mặn sẽ có thêm chân giò, gà luộc hoặc giò.
Sau khi sửa sang phần mộ, dọn dẹp sạch sẽ, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương khấn vái thần linh, tổ tiên ông bà đã khuất, mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.
Trong lúc đợi hương tàn, con cháu có thể bắt tay vào dọn dẹp, tu sửa cho mộ phần. Khi hương cháy đến hơn 2/3 tức là lễ tạ, gia chủ tiến hành hóa vàng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/tao-mo-ngay-tet-the-nao-cho-dung-20230115084632893.htm