Tảo mộ Thanh minh: Con cháu 'báo cáo', chia sẻ buồn vui với người thân quá cố
Mỗi lần lên đây, em thường tâm sự về việc học của mình, bởi, hồi xưa, bà rất quan tâm đến việc học hành của các cháu.
Tiết Thanh minh thường kéo dài nửa tháng, trước khi chuyển sang tiết Cốc vũ. Tiết Thanh minh năm 2025 sẽ kéo dài từ ngày 04/4 đến ngày 19/4 dương lịch. Tiết Thanh minh (hay ngày Thanh minh) là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh. Tuy nhiên, đây là ngày làm việc trong tuần, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đi tảo mộ, nhất là với những người làm việc ở địa phương khác.
Vì vậy, trong 2 ngày cuối tuần (5 -6/4), nhiều gia đình tại Hà Nội đã tới Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để tảo mộ dịp tiết Thanh minh.
Giữa dòng người ấy, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cụ bà chống gậy đứng lặng lẽ nhìn về phía mộ phần của cụ ông với sự ấm áp xen chút rưng rưng.

Bà Mộng Điệp (85 tuổi) lặng lẽ đứng bên mộ phần của chồng.
Bà Mộng Điệp (85 tuổi, trú tại Thượng Đình, Thanh Xuân Hà Nội) cho biết: “Tôi luôn tâm niệm, đầu năm đi tảo mộ cho người đã khuất trong tiết Thanh minh là một nét văn hóa.
Hôm nay, tôi cùng các con lên thăm mộ phần của chồng tôi, ông ấy mất từ năm 2020, đến nay cũng đã 5 năm trôi qua. Còn nhớ, lúc ông ấy mất, tôi thương quá nên người cũng ốm theo, có lúc người gầy sọp hẳn đi, chỉ còn có 35kg. Các con phải động viên suốt, bảo tôi phải giữ sức khỏe để còn lên đây thăm ông ấy. Nhờ những lời ấy mà tôi mới gượng dậy được, dần lấy lại sức khỏe để tự mình lên đây thăm ông”.
Ấn tượng đáng nhớ nhất trong lòng bà có lẽ là năm đầu tiên “mở cửa” lại sau dịch Covid-19, khi không thể trực tiếp đến tảo mộ tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên.
“Thời điểm ấy, vì điều kiện hoàn cảnh không cho phép, gia đình tôi gửi lễ để ban quản lý lo liệu giúp. Sau khi chọn được dịch vụ phù hợp, Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên đã thực hiện các nghi thức cúng lễ, đốt vàng mã rất chỉn chu, tươm tất. Toàn bộ quá trình đó đều được ghi lại và gửi về cho gia đình tôi cùng theo dõi. Tôi rất hài lòng với sự tận tâm này” - bà Điệp bày tỏ.
Bà Điệp cũng cho biết, sau lần đó, khi không còn phải “giãn cách”, bà cùng các con cháu năm nào cũng lên tảo mộ cho ông: “Mỗi lần lên, tôi lại có rất nhiều tâm sự, bất cứ việc gì cũng muốn “báo cáo” với ông để ông an tâm”.
Cách đó không xa, bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, Hà Nội) cũng đang cùng các con cháu có những giây phút thật xúc động khi đến thăm mộ phần của người thân.
Mặc dù di chuyển rất khó khăn, nhưng bà Thuận cho biết, dù có phải ngồi xe lăn, bà cũng muốn đích thân đến thăm người con trai thứ hai không may bị bệnh, mất sớm.

Bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
“Di chuyển khó khăn, nhưng tôi vẫn muốn lên tận nơi để trò chuyện với con. Chính tình cảm gia đình, người thân ruột thịt, tình mẫu tử đã không ngừng thôi thúc tôi, dù có yếu đi nữa thì vẫn muốn đi. Các con tôi vẫn bảo: “Mẹ đang không khỏe, hay là để chúng con đại diện?”, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm, muốn lên tận nơi với con. Lên đến đây rồi, tôi lại thấy mừng, thấy mình như khỏe ra bao nhiêu...
Lúc con trai tôi mất, có lẽ tiếc nuối lớn nhất chính là chưa đền đáp được cho bậc sinh thành, lại để vợ trẻ lo toan cho 3 đứa con thơ... Nên mỗi lần lên thăm con trai, tôi đều có rất nhiều điều tâm sự với con, vừa kể chuyện của bố mẹ, vừa kể chuyện làm ăn của con dâu, vừa thông báo tình hình học tập của các cháu để con trai tôi được yên lòng” - bà Thuận bồi hồi chia sẻ.
Với bà Thuận, tiết Thanh minh ở Việt Nam cũng có rất nhiều ý nghĩa, là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên, hướng về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để con cháu tìm về nguồn cội.
“Tôi chỉ nghĩ đến hai câu này: “Cây cao ngàn trượng không quên gốc rễ, nước chảy muôn dặm vẫn nhớ về nguồn xa”. Gốc rễ của người thân là sợi dây kết nối, là chỗ dựa khi ta mỏi mệt, là sức mạnh tiếp thêm cho ta mỗi khi phải đối mặt với sóng gió bên ngoài...” - bà Thuận tâm sự.

Chị Đỗ Thị Vân nghẹn ngào chia sẻ.
Chị Đỗ Thị Vân (46 tuổi, Hà Nội), con dâu của bà Thuận cũng không giấu nổi nỗi xúc động khi nhắc đến người chồng quá cố: “Những ngày lễ Tết, ngày sinh nhật của anh hay những ngày kỷ niệm của hai vợ chồng, tôi đều lên đây với anh. Bởi, tôi muốn các con vẫn giữ được sợi dây kết nối với bố... Hoặc chỉ đơn giản là một ngày nào đó bỗng nhiên thấy nhớ anh, tôi lại lên đây, tâm sự về cuộc sống thường nhật, để có cảm giác dù anh đã mất nhưng vẫn luôn được đại gia đình quan tâm...
Trước khi mất, anh nói với tôi, anh chỉ tiếc nuối khi các con còn nhỏ và chưa lập gia đình. Vì tương lai phía trước còn phải lo cho 3 đứa con, nên anh rất thương vợ. Tình cảm ấy vẫn luôn là điều mà tôi rất trân trọng...”.
Tết Thanh minh là sự kiện thường gắn với nghi lễ tảo mộ, để sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.
Để gìn giữ bản sắc văn hóa, hướng về cội nguồn, tổ tiên, hầu hết các gia đình đều nhắc nhở con cháu ngay từ nhỏ về những giá trị truyền thống của việc tảo mộ trong tiết Thanh minh. Chính vì thế, có rất nhiều gia đình đưa theo những thành viên nhỏ tuổi để vừa tạo sợi dây kết nối với người thân đã mất, vừa răn dạy về truyền thống ý nghĩa này.

Nhân viên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên chăm sóc mộ phần. Ảnh: N.T
Nữ sinh Trần Minh Hằng (sinh năm 2001, trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa Hà Nội), hiện đang là sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) bày tỏ: “Ngày Tết Thanh minh cũng là một ngày rất thiêng liêng và ý nghĩa đối với cả gia đình. Đây cũng là dịp để cả gia đình cùng sum họp, đi tảo mộ - là một hình thức đến thăm họ hàng và người thân đã khuất, đồng thời cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ trước.
Đây dường như đã trở thành một hoạt động thường niên đối với cả gia đình tôi. Tiết Thanh minh nào, cả gia đình cũng cùng lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để tảo mộ cho bà nội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thắp hương ở các mộ phần trong khu vực lân cận, “chào hỏi hàng xóm” của bà nội, để mộ phần của bà thêm ấm cúng.
Ngoài những dịp lễ, Tết, nếu một ngày chỉ đơn giản là cảm thấy nhớ bà, gia đình tôi cũng tề tựu đông đủ về đây, thắp cho bà một nén hương”.
Ngồi bên cạnh Minh Hằng là cô em gái Trần Khánh Vy (sinh năm 2008), hiện đang học lớp 11 (Trường Trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày bà nội mất, suốt 5 năm qua, em cũng được cùng gia đình lên thăm bà tại đây từ 3-4 lần mỗi năm. Đến thăm những người thân đã mất là điều nên làm. Mỗi lần lên đây, cả hai chị em em đều có khá nhiều cảm xúc. Bởi, trước khi bà mất, gia đình em sống chung với ông bà, nên chúng em có rất nhiều kỷ niệm thân thương với bà. Mỗi lần lên đây, em thường tâm sự về việc học của mình, “báo cáo” với bà về những sự kiện mới nhất, bởi, hồi xưa, bà rất quan tâm đến việc học hành của các cháu. Mới đây nhất, em vừa thi IELTS, mặc dù chưa có kết quả, nhưng hôm nay, em cũng đã chia sẻ với bà về dấu mốc đặc biệt này”.
Minh Hằng cũng chia sẻ thêm: “Có lẽ, nói về kỷ niệm, tôi có nhiều kỷ niệm với bà hơn em gái. Trước đây, bà nội tôi là giáo viên dạy Toán nên bà thường rất để tâm đến việc học hành của các cháu, đặc biệt là tôi, rất may mắn khi ngay từ hồi học tiểu học, tôi đã được bà kèm cặp rất nhiều về môn Toán... Hiện tại, mỗi lần lên đây thăm bà, tôi thường chỉ dành những phút giây ý nghĩa đó để tưởng nhớ đến bà, cũng như ôn lại một phần kỷ niệm ấy”.

Quang cảnh một khu của Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên.
Lên thăm mộ phần của bố nhân dịp tiết Thanh minh, nữ sinh Lê Tuệ Lâm (sinh năm 2011, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bố em là một người sống rất tình cảm và tâm lý. Gia đình em có 3 chị em, trước đây, bố rất hay đưa 3 chị em đi chơi, bởi vậy mà mấy chị em đều có rất nhiều kỷ niệm đẹp với bố. Chúng em thường được mẹ và các bác, các cậu đưa lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để thăm bố vào những dịp như tiết Thanh minh, vào ngày giỗ của bố hay Tết Nguyên đán.
Mỗi lần lên thắp hương cho bố, em thường tâm sự, chia sẻ với bố rất nhiều về những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống và học tập... để có cảm giác như bố vẫn luôn đồng hành trong hành trình trưởng thành của con gái”.
Tuệ Lâm chia sẻ, mỗi lần đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, em đều cảm nhận được bầu không khí rất trong lành, mát mẻ và dễ chịu. “Cảnh quan ở đây rất khang trang, sạch đẹp, các cô bác nhân viên đều chăm chút rất cẩn thận, tỉ mỉ cho từng khu vực, bởi vậy, mỗi lần lên đây, em đều có một cảm giác rất bình yên. Điều đó cũng khiến em thêm thoải mái khi đến đây để tâm sự với bố mình” - Tuệ Lâm chia sẻ.
Dù cuộc sống bận rộn, những dịp như tiết Thanh minh chính là thêm một cơ hội để mỗi gia đình có thể người thân quây quần, cùng thăm lại những người thân quá cố, từ đó cũng gắn kết thêm tình cảm gia đình.

Khuôn viên yên nghỉ của người quá cố với nhiều cây xanh.