Tạo mọi điều kiện để học sinh THPT được kết nạp Đảng ngay tại trường
Sáng 28/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới'
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
Kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với tổng số 299.167 học sinh. Thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới”, thời gian qua các cấp ủy đảng trực thuộc và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt kết quả bước đầu quan trọng.
Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thông qua các phong trào thi đua kịp thời phát hiện những quần chúng ưu tú, giới thiệu cho chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Những đảng viên được kết nạp trong các trường học đã phát huy được tính tiền phong, gương mẫu, tham gia các phong trào thi đua do trường phát động. Thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có nhiều thành tích nổi trội khi tham gia học tập, rèn luyện, phấn đấu ở môi trường mới, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên và trưởng thành về mọi mặt.
Kết quả, từ khi thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU đến nay có 25 đảng bộ đã tiến hành tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 683 quần chúng ưu tú là học sinh THPT. Đến nay có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Đảng viên mới được kết nạp thực sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn thanh niên, là tấm gương cho các học sinh THPT khác noi theo. Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên được các cấp ủy đảng tổ chức trang trọng, nghiêm túc theo đúng quy định...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã làm rõ thêm những thành công, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU. Theo đó, các đại biểu đánh giá, kết quả kết nạp đảng viên là học sinh THPT là minh chứng rõ nét nhất việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án của Thành ủy, nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và trẻ hóa đội ngũ đảng viên mới. Đồng thời, các ý kiến cũng ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các cấp ủy, tổ chức đoàn thanh niên và học sinh THPT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, việc đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU là cú hích lớn đối với ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô trong công tác phát triển Đảng với học sinh THPT. Vì thế, các nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa để học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho học sinh có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu 3 kiến nghị với TP, trong đó có việc chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển Đảng trong học sinh. Phối hợp với các Bộ GD&DTD, Bộ Ngoại giao, tạo thuận lợi cho các học sinh chuyển tiếp quá trình kết nạp Đảng khi đi du học. Tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT…
Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Đề án 20-ĐA/TU mới triển khai được một năm nhưng Thành ủy Hà Nội muốn có đánh giá bước đầu để các đơn vị, nhà trường triển khai kế hoạch dài hơi hơn trong năm học tới.
Đánh giá cao những kết quả đạt được sau gần một năm triển khai Đề án, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. Đặc biệt, những đảng viên trẻ vừa được kết nạp trong các nhà trường là tấm gương, hình mẫu để các học sinh ưu tú học tập, noi theo, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của đảng.
Nêu ra một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở các trường học. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là kết nạp đảng viên là học sinh THPT.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra tại Đề án 20-ĐA/TU. Trong đó chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy những kiến thức trên lớp, cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức – trách nhiệm của công dân. Qua đó, các nhà trường có thể phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng và kết nạp Đảng.
So sánh số học sinh lớp 12 hiện nay của Hà Nội là hơn 100.000 nhưng cả TP mới kết nạp được 82 đảng viên, Phó Bí thư Thành đề nghị, các nhà trường, đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện Đề án 20-ĐA/TU. Đặc biệt là việc lựa chọn những học sinh xứng đáng để tạo nguồn và phát triển Đảng; tránh “bệnh hình thức” khi chỉ lựa chọn những học sinh phải có giải quốc tế, quốc gia.
Quan tâm thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tập trung phân tích, đánh giá kỹ nguồn phát triển Đảng. Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành làm cho đảng viên mới kết nạp, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng. Linh hoạt thời gian mở các lớp bồi dưỡng để tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập đầy đủ và hiệu quả.
“Các học sinh THPT là đối tượng đặc biệt nên các địa phương cần có tài liệu giảng dạy phù hợp với kiến thức của học sinh. Việc tổ chức lớp học cũng như thời gian học phải có sự riêng biệt, hấp dẫn với đối tượng học sinh. Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc kết nạp và chuyển tiếp thời gian theo dõi, bồi dưỡng những học sinh ưu tú để tiếp tục kết nạp trong các trường Đại học, cao đẳng. Tạo mọi điều kiện để học sinh THPT có thể kết nạp đảng ngay tại trường” – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.