Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xanh và bền vững

5/10 chỉ số thành phần (CSTP) thuộc chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh (PGI) năm 2023 của tỉnh ta đều tăng điểm. Đây là minh chứng sinh động cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, năng động, sáng tạo của các cấp, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường.

Nỗ lực cải thiện điểm số

Chỉ số PCI được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nhằm đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Kết quả công bố chỉ số PCI và PGI năm 2023 hồi tháng 5 vừa qua của VCCI cho thấy: Chỉ số PCI tỉnh Hà Giang đạt 63,32 điểm, giảm 1,07 điểm so với năm 2022. Tuy nhiên, có 5/10 CSTP cấu thành chỉ số PCI được cải thiện về điểm số gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Các chỉ số này tăng từ 0,02 – 0,11 điểm so với năm 2022 để đạt điểm số từ 5,33 – 8 trên thang điểm 10.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Bắc Quang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Bắc Quang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Kết quả trên cho thấy, tỉnh ta có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp với chi phí gia nhập thị trường thấp; môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các phương diện (thuận lợi tiếp cận đất đai, thông tin, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, giải quyết các khó khăn, vướng mắc); việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng, giảm gánh nặng chi phí thời gian đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả; an ninh trật tự được duy trì…

Nếu như năm 2022, chỉ số PGI của tỉnh đạt 15,67 điểm thì năm 2023 tăng 4,78 điểm, đạt mốc 20,45 điểm. Trong 4 CSTP cấu thành chỉ số PGI có 3 CSTP tăng điểm (từ 0,92 – 3,03 điểm so với năm 2022). Trong đó, CSTP được đánh giá tốt nhất là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (5,91 điểm), tiếp đến là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (5,1 điểm); chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5 điểm). Thông qua chỉ số PGI, tỉnh ta đã, đang nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân hành động vì môi trường; thực hiện tốt công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường với quan điểm xuyên suốt: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Gỡ “rào cản” để bứt phá

Mặc dù chỉ số PCI có 5/10 CSTP tăng điểm nhưng trọng số chỉ chiếm 45%. Các CSTP có trọng số lớn (10 – 15%) trong tổng điểm chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh chưa được cải thiện gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, đào tạo lao động và tính năng động của chính quyền tỉnh, dẫn tới tổng điểm giảm và thấp hơn so với năm 2022.

Qua phân tích chỉ số PCI của cơ quan chuyên môn cho thấy: Việc tiếp cận tài liệu pháp lý chưa thuận lợi đối với doanh nghiệp, số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản vẫn còn dài (3 ngày); lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư của tỉnh còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp thông tin về đất đai chậm, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhiều và chồng chéo. Công tác cải cách TTHC chưa gắn liền với việc siết chặt kỷ luật hành chính. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, còn tồn tại tình trạng tiêu cực khi giải quyết TTHC, nhất là các khoản chi phí không chính thức đối với TTHC về đất đai. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra chiếm 35% (tăng 118% so với năm 2022)…

Riêng chỉ số PGI, tỉnh ta còn 1 CSTP được đánh giá thấp nhất là thúc đẩy thực hành xanh với 4,44 điểm (giảm 0,56 điểm so với năm 2022). Điều này cho thấy sự quyết liệt của chính quyền các cấp trong việc xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm, chất lượng thực thi các chính sách môi trường, mức độ tuân thủ quy định về xả thải của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; đòi hỏi các cấp chính quyền thực thi giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn đối với vấn đề này.

Hiện nay, tỉnh ta đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo “rào cản” để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI và PGI. Trong đó, kịp thời giải quyết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai; công khai, minh bạch việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kết hợp thanh, kiểm tra liên ngành các nội dung trong một cuộc thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, trùng lặp; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo có trình độ, năng lực, đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí việc làm gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Thông qua việc xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và PGI năm 2024, tỉnh ta đang từng bước xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi và động lực thu hút đầu tư theo phương châm “Doanh nghiệp phát tài – Hà Giang phát triển”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202406/tao-moi-truong-dau-tu-thuan-loi-xanh-va-ben-vung-fb230e2/