Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng
Đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã cán mốc trên 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 360 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới về thương mại quốc tế.
Thành quả trên có đóng góp quan trọng từ việc tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, thông qua chấn chỉnh một cách hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, ứng dụng thủ tục hải quan điện tử, kết nối thủ tục biên phòng điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia. Qua đó, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, tận dụng tốt hơn lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Nhìn lại thời điểm năm 2015, cả nước có gần 83.000 mặt hàng thuộc diện bị kiểm tra chuyên ngành, 100% lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra trước khi thông quan. Chưa kể, sự chồng chéo giữa các bộ ngành, cơ quan chức năng, khiến tình trạng doanh nghiệp bị “nhũng nhiễu” khá phổ biến, phát sinh nhiều chi phí không chính thức và thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.
Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, các bộ ngành liên quan đã rà soát, giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm bị quản lý, kiểm tra chuyên ngành với mã số hồ sơ đạt cấp độ chi tiết nhất; tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành giảm xuống còn 10%. Cùng với đó, phương pháp quản lý được thay đổi theo hướng ứng dụng thủ tục hải quan điện tử, thực hiện quản lý rủi ro và chuyển sang tăng cường khâu hậu kiểm…
Đến nay đã có 259 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 Bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia. Cơ chế một cửa ASEAN đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.
Những giải pháp trên đã tạo ra bước ngoặt bản lề trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm xuống còn 19% so với trước năm 2015, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thuận lợi giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, tạo sức bật cho hoạt động xuất nhập khẩu. Các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan.
Cùng với đó, những năm qua, lực lượng BĐBP đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính hoàn thành triển khai hạ tầng, phần mềm kết nối thủ tục biên phòng điện tử tuyến biên giới đất liền theo Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện chuyển đổi phương thức giải quyết TTHC từ thủ công sang điện tử trực tuyến cấp độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ quốc gia, Cổng Thông tin một cửa quốc gia và Cổng Thông tin thủ tục biên phòng điện tử.
BĐBP đã thực hiện cải cách 21 TTHC, trong đó có 18 thủ tục trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia tại 37 cửa khẩu cảng và 50 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính tuyến đất liền. Song song với đó, BĐBP đã triển khai thủ tục biên phòng điện tử cho 429 đại lý, doanh nghiệp đăng ký tham gia; thực hiện thủ tục hành chính biên phòng điện tử ở mức độ 4 cho người, phương tiện xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu cảng trên toàn quốc...
Thành quả cải cách TTHC đã thấy rõ, nhưng để môi trường kinh doanh thông thoáng, tiếp sức vượt khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, phải tiếp tục rà soát để loại bỏ, kết hợp ngăn ngừa ban hành những quy định bất hợp lý. Trong đó, việc cần triển khai gấp là áp dụng đồng bộ thủ tục hải quan điện tử, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, để kịp thời xử lý những vướng mắc, hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Cải cách TTHC không chỉ đưa lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mang lại sự thịnh vượng, phồn vinh cho đất nước.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-moi-truong-kinh-doanh-thong-thoang-post457535.html