Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn được sở, ngành, địa phương quan tâm, nhất là thực hiện các chính sách liên quan đến khởi nghiệp đã tạo môi trường thuận lợi giúp thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, đang khởi nghiệp thêm cơ hội hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp. Từ đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương.

Thanh niên Nguyễn Thế Ngoan Vinh ngụ huyện Lai Vung (bìa phải) giới thiệu kỹ thuật trồng quýt hồng trong nhà màng với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) (Ảnh: M.X)

Thanh niên Nguyễn Thế Ngoan Vinh ngụ huyện Lai Vung (bìa phải) giới thiệu kỹ thuật trồng quýt hồng trong nhà màng với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) (Ảnh: M.X)

Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh thường xuyên tổ chức các sự kiện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu là các Cuộc thi: “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp”, “Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật”, “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”... thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu nhi tham gia. Đồng thời phối hợp tổ chức thành công 7 Cuộc thi “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo” với hơn 600 dự án, ý tưởng của thanh niên tham gia. Qua đó, định hướng và hỗ trợ gần 70 dự án tham gia các cuộc thi dự án khởi nghiệp cấp khu vực, Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ 11 dự án cho trên 200 thanh niên với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh đã giúp nhiều thanh niên có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp của thanh niên hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường. Chẳng hạn Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản trị sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, chủ thể OCOP; Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh của thanh niên đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ... Qua đó, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh mạnh dạn cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh trạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Một số dự án, mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn tỉnh như: Dự án “Kết nối con người với tự nhiên” giành giải Nhất tại Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các đơn vị phối hợp tổ chức. Bộ sản phẩm (đồ chơi cho thú cưng, chùi rửa nhà bếp, bông tắm) của Dự án “Kết nối con người với tự nhiên” đã lên kệ hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản; đồng thời có thị trường xuất khẩu ổn định từ đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Hay, mô hình “Trồng quýt hồng trong nhà màng” theo hướng sử dụng công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ quá trình trồng từ khâu giống, nước tưới, phân bón. Qua đánh giá, quýt hồng trồng trong nhà màng giảm thiểu sâu bệnh, bảo vệ cây, tiết kiệm công tưới nước, bón phân khoảng 60%, phân bón sử dụng là phân hòa tan dành cho hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp giảm được thất thoát ra môi trường.

Nhằm bồi dưỡng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp trong thanh thiếu niên, tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo cho học sinh, sinh viên, thanh niên. Qua đó, cung cấp, trang bị các kiến thức, rèn luyện tư duy, phát triển ý tưởng, kỹ năng khởi nghiệp, cũng như tuyển chọn các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo kỹ thuật của học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh; ý tưởng khởi nghiệp tỉnh. Cùng với đó, tỉnh quan tâm tuyển chọn và ươm tạo các sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Năm 2023, toàn tỉnh công nhận 154 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 40 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có trên 450 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng phát triển từ tận dụng nguồn tài nguyên bản địa tại địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách, pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên giai đoạn 2021 - 2024, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ lồng ghép thực hiện công tác khởi nghiệp trong cộng đồng. Tiếp tục phát huy các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có vai trò của tổ chức Đoàn nhằm hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với các dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn Đất Sen hồng.

Tỉnh thành lập các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như: Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp, Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Câu lạc bộ Tư vấn khởi nghiệp, Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Trong đó, nhiều mô hình liên kết đi vào hoạt động, giúp kết nối, chia sẻ các hoạt động khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp mang lại nhiều kết quả thiết thực. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện, ươm tạo cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tiềm năng; hỗ trợ kết nối chuyên gia, đối tác, nhà đầu tư và các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại...

TIẾN ĐẠT

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tao-moi-truong-thuan-loi-cho-thanh-nien-khoi-nghiep-124670.aspx