Tạo môi trường thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Chính sách hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ là nền tảng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo với kỳ vọng tăng nhanh số lượng và quy mô doanh nghiệp (DN). Đây là loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa vào khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, đem lại những kết quả thiết thực, duy trì sự năng động của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp tại Techfest Vietnam 2022

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp tại Techfest Vietnam 2022

Bệ đỡ cốt lõi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh, đổi mới sáng tạo (ĐMST) càng trở nên cần thiết, giúp các DN tiếp cận, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp và ĐMST đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các DN trong dài hạn. Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp và ĐMST là thành phần nền tảng, trọng yếu của một hệ sinh thái. Hành lang pháp lý, chính sách là bệ đỡ cốt lõi để hình thành những DN khởi nghiệp sáng tạo có đủ sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai”.

Chiến lược khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 của Chính phủ đã phê duyệt cũng đã khẳng định xuyên suốt các nhiệm vụ trọng tâm của ĐMST đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cũng như hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy và phát triển các mạng lưới, trung tâm và nền tảng ĐMST. “Đến nay, trong bối cảnh mới, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia cần phải xác định được vai tròdẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, DN khởi nghiệp đến các chủthể trong hệ sinh thái khác. Trong những năm tới đây, việc liên kết, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợkhởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST ngay tại các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ là những trụ cột chính để nâng đỡ, khuyến khích liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia”, ông Trần Văn Tùng, nói.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủtịch UBND tỉnh, cho biết thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Bình Dương đã đặc biệt quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và dành nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động khởi nghiệp ĐMST, nhanh chóng ban hành các chính sách cụ thể, sát thực với địa phương. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh phát triển hơn nữa tư duy ĐMST trong thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho người dân, DN sáng tạo, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tạo môi trường thuận lợi

Nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết những khó khăn thách thức đặt ra tạo cơ hội phát triển lên một tầm cao mới, Bình Dương chủtrương hướng tới việc chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật công nghệ cao năng động, sáng tạo nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân với việc xây dựng và thực hiện Đề án thành phố thông minh - vùng ĐMST. Đề án được xem là một trong những định hướng phát triển của tỉnh, trong đó khoa học công nghệ, khởi nghiệp ĐMST được xác định là trọng tâm trong quá trình thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Khởi nghiệp sáng tạo là đổi mới, là thử nghiệm. Vậy nên cơ chế, chính sách cũng cần thiết phải linh hoạt, phải thử nghiệm. Có hiệu quả thì mới tiếp tục, không hiệu quả cần phải sửa đổi, thay thế ngay”.

Bình Dương đang được triển khai khu Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, dự kiến là đòn bẩy cho việc phát triển thương mại và dịch vụ, đưa thành phố mới Bình Dương trở thành điểm giao thương, là nơi tổ chức các sự kiện triển lãm mang tầm vóc quốc tế, đặc biệt là quan tâm bố trí các điều kiện cơ sở vật chất cho các DN khởi nghiệp. Tỉnh cũng đang phát triển Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ tại huyện Bàu Bàng với mục tiêu phát triển hệ sinh thái ĐMST, chuyển giao công nghệ tri thức, ý tưởng đổi mới áp dụng vào trong sản xuất, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.

Tại Diễn đàn chính sách Techfest Vietnam 2022 vừa qua, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam cho biết: “Đánh giá cao nguồn lực tri thức và đầu tư công nghệ Việt Nam. Việc hỗ trợ tốt nhất cho startup là giúp cho họ thành công về mặt thương mại, có những chính sách mở cửa thị trường Việt Nam và quốc tế”.

Tại Techfest Vietnam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, đối với các cơ chế mới, cần thiết cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển, đặc biệt là việc ứng dụng mô hình mới, công nghệ mới trong thiết kế chính sách, cơ chế, cần nghiên cứu, đề xuất sớm triển khai. Phát triển nền tảng ĐMST mở, thu hút, khuyến khích các DN, cơ quan, tổ chức đặt bài, đặt hàng, sử dụng các sản phẩm ĐMST. Nhà nước phải đi đầu, tiên phong trong việc sử dụng, đặt hàng các sản phẩm mới, mô hình mới, tạo động lực, thị trường cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Mở ra cơ chế thu hút các nguồn lực quốc tế; mở kênh dẫn vốn cho hệ sinh thái ĐMST, đặc biệt là nghiên cứu kỹ để hình thành và phát triển các sàn giao dịch vốn cho riêng DN khởi nghiệp sáng tạo, các nền tảng gọi vốn cộng đồng, cho vay.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-a292022.html