Tạo mỹ cảm mới từ tình yêu nghệ thuật và cuộc sống

Đằng sau câu chuyện của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là nhân sinh quan, thế giới nghệ thuật thầm lặng nhưng phong phú, là tâm thức và sự mẫn cảm trước thời đại nhiều thăng trầm.

Sự hòa điệu lặng lẽ với thiên nhiên

Năm 1964, Trịnh Hữu Ngọc phủ son lên mặt sau của tranh sơn mài Phong cảnh Bắc Kỳ của Lê Phổ mà Nguyễn Gia Trí đã để lại cho ông trước khi di cư vào Nam, rồi làm bức tranh sơn khắc Tiếp quản Thủ đô, để Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng mượn treo trong phòng khánh tiết Tòa Thị chính Hà Nội. Năm 1985, UBND Hà Nội xây trụ sở mới, bức tranh được chuyển xuống kho và bị quên lãng suốt 26 năm. Năm 2011, bức tranh khi được gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thu hồi màu sắc đã phai nhạt gần hết, phần đáy tranh bị mối xông rỗng ruột và phá ra cả mặt sơn nhưng vẫn giữ được vẻ sinh động nồng nhiệt, trang trọng mà thanh tao. Cảnh các tầng lớp nhân dân thủ đô ra đón chào bộ đội cụ Hồ bên bờ hồ Gươm được lồng trong một bộ khung hoa cúc trang trí chứa đựng những hình ảnh lịch sử từ Cách mạng tháng Tám cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cuốn sách như giúp khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc

Cuốn sách như giúp khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc

Đây làbức tranh lịch sử duy nhất của Trịnh Hữu Ngọc. Câu chuyện về bức tranh đã được kể lại trong tọa đàm ra mắt sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương sáng 7.7. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, sáng tác của Trịnh Hữu Ngọc “đặc biệt” ở chỗ mặc dù được đào tạo mỹ thuật theo kiểu châu Âu, tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông không câu nệ hay khắt khe về phương pháp hay vật liệu sáng tác. Ông luôn mạnh dạn và khéo léo dùng phương tiện, ngôn ngữ riêng để thể hiện ý tưởng. Như làm sơn mài, ông sáng tạo các vóc gọn nhẹ, dùng chất liệu sơn ta nhưng áp dụng phương pháp vẽ tương tự các họa sĩ phương Tây vẽ tranh sơn dầu, để tranh có sự phóng khoáng, tự do và mới mẻ.

Giới hội họa gọi Trịnh Hữu Ngọc là họa sĩ - thiền sư. Cả cuộc đời ông hầu như chỉ vẽ phong cảnh, vẽ thiên nhiên. Tranh của ông thường thể hiện những đề tài rất gần gũi với cuộc sống làng quê Hà Nội lúc bấy giờ như hoa cỏ, trái cây, làng mạc… Ông quan niệm tranh không cần lạ mà chỉ cần đẹp. Mỗi ngày, đều đặn vẽ cây đa, con thuyền trước nhà, lặp đi lặp lại mà vẫn thấy độ rung động trong tranh thì chứng tỏ mình vẫn còn tình yêu với nghệ thuật, với cuộc sống.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn ví những sáng tác của Trịnh Hữu Ngọc như “sự hòa điệu lặng lẽ với thiên nhiên”. Cả cuộc đời, cố họa sĩ chỉ có duy nhất triển lãm cá nhân vào năm 1988, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. “Ông khẽ khàng sống và vẽ giữa thiên nhiên, khẽ khàng chuyển dịch những bước đi bí mật của muôn loài trong cảm hứng hài hòa với màu sắc và ánh trời bóng nước hàng ngày biến đổi vô thường trong từng bức tranh… Trong giới hội họa, Trịnh Hữu Ngọc quyến rũ ở sự thầm lặng và lôi kéo người ta vào sự thầm lặng quyến rũ mà ông đặt ra trong sự hòa điệu với thiên nhiên. Ông gần như đã rũ bỏ những ngổn ngang cuộc sống để tìm cho mình một góc khuất và từ đó tạo ra những mỹ cảm mới”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhìn nhận.

“Thiết kế nội thất là để thúc đẩy nếp sống”

Bên cạnh di sản hội họa, lịch sử ngành thiết kế nội thất cũng ghi tên tuổi Trịnh Hữu Ngọc như một dấu ấn đặc biệt. Năm 1940, họa sĩ dựng xưởng mộc với đầy đủ máy móc nhập từ Pháp và gần hai chục thợ tinh tuyển và đặt tên xưởng là MEMO Ébénisterie - nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. MEMO viết tắt cho chữ “mémoire” muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi.

Tọa đàm ra mắt sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương, sáng 7.7, tại Hà Nội. Ảnh: Thái Minh

Tọa đàm ra mắt sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương, sáng 7.7, tại Hà Nội. Ảnh: Thái Minh

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho biết, thời điểm Trịnh Hữu Ngọc thành lập thương hiệu MEMO đã có nhiều nhà làm đồ gỗ nổi tiếng nhưng phải đến MEMO mới ghi dấu phong cách riêng. “Đó là sự đóng góp mang dấu ấn đặc biệt cho một ngành thiết kế nội thất còn non trẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Mỗi sản phẩm là sự kết hợp giữa văn hóa phương Tây và nội lực phương Đông”.

Theo lời kể của tác giả Trịnh Lữ, con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, sau năm 1954, Trịnh Hữu Ngọc biến xưởng mộc của mình thành trường dạy vẽ. Những trang viết và bản vẽ trong thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất của ông thời kỳ này cho thấy một niềm say sưa muốn dùng thiết kế nội thất để thúc đẩy xây dựng nếp sống mới của quảng đại quần chúng”. Ông còn đề xuất một chiến lược phát triển lâm nghiệp gắn liền với ngành công nghiệp gỗ, với niềm tin về cuộc sống hài hòa bền vững với thiên nhiên.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhận định, đó chính là tư tưởng thiết kế bền vững mà chúng ta đang hướng tới trong thời đại hiện nay. Cuộc đời, sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc là sự âm thầm, lặng lẽ nhưng phong phú, là tâm thức và sự mẫn cảm trước thời đại nhiều thăng trầm, nhưng ông không né tránh nó mà hòa mình vào nó, gắn bó với truyền thống để tìm hiện đại theo một lối đi riêng. Còn với tác giả Trịnh Lữ, đó chính là lý do trong tên cuốn sách, ông gọi cha là “Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương” và muốn lan tỏa niềm tin của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc rằng “Hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống, và mắt nhìn tay vẽ với ý thức hòa nhập với nét sống giản dị tự nhiên của muôn vật là một lối giản dị ai cũng có thể theo được”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tao-my-cam-moi-tu-tinh-yeu-nghe-thuat-va-cuoc-song-i335402/