Tạo nền tảng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, tự lực, tự cường - Bài 1: Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, AN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Hiện nay, dự thảo luật tiếp tục được bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng luật được kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách, quy định mới, mang tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng xây dựng CNQP, AN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, thực hiện ĐVCN rộng khắp.

Nguồn lực về tài chính, đầu tư được xác định là một trong những trụ cột cho phát triển CNQP, AN. Để có được những sản phẩm công nghệ cao, hiện đại, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực một cách hiệu quả, rộng rãi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng hình hài của cơ sở CNQP, AN nòng cốt

Từ một cơ sở sản xuất CNQP còn đơn sơ trong giai đoạn đầu mới thành lập với hai phân xưởng và vài chục cán bộ, công nhân viên, Nhà máy Z129 (Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 29) hiện nay mang diện mạo của một cơ sở CNQP nòng cốt. Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 29 cho biết, với việc được Nhà nước đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm, Nhà máy có hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo cơ bản, trẻ tuổi, nhiệt huyết, đủ năng lực để từng bước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm quốc phòng mới, hiện đại, các mặt hàng kinh tế có giá trị gia tăng cao. "Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Nhà máy đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, sáng tạo để cùng đối tác, chuyên gia giải quyết các vướng mắc, khắc phục mọi khó khăn", Đại tá Nguyễn Phi Trường chia sẻ.

Những năm qua, Nhà máy Z173 (Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hồng Hà) được quan tâm hiện đại hóa cơ sở vật chất. Bên cạnh các dự án đầu tư lớn của Nhà nước, Nhà máy cũng chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đáp ứng yêu cầu sản xuất. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan, Phó giám đốc Nhà máy Z173, từ nguồn lực nhà nước, Nhà máy đã được đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, cầu cảng, đầu kéo để lai dắt tàu...

Thế nhưng, trong bối cảnh mới hiện nay, để đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn, Nhà máy cần có cơ sở vật chất đồng bộ, mang tính tổng thể theo quy trình tiên tiến, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất nhỏ lẻ, manh mún. "Mong muốn của Nhà máy là được quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bố trí lại mặt bằng sản xuất, giúp Nhà máy nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, tiến độ đóng tàu", Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan bày tỏ.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z129. Ảnh: BẢO LINH

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z129. Ảnh: BẢO LINH

Phát huy hiệu quả lưỡng dụng trong sản xuất

Không chỉ phát huy sản xuất phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cũng giúp các đơn vị CNQP phát huy tối đa năng lực với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho kinh tế-xã hội đất nước. Cùng với bảo đảm yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quốc phòng, Nhà máy Z129 cũng tích cực ''đi bằng hai chân'', kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

"Nhà máy khai thác tối đa dây chuyền sản xuất, thiết bị đã đầu tư để phát triển các sản phẩm cơ khí chính xác, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động. Đơn vị cũng phấn đấu năm 2024 sẽ có sản phẩm xuất khẩu, vừa gia tăng giá trị cho sản xuất, kinh doanh, vừa phát huy năng lực trang thiết bị, nguồn nhân lực", Đại tá Nguyễn Phi Trường bày tỏ.

Cùng với nhiệm vụ chính trị trung tâm là sản xuất các loại hỏa cụ để phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, Nhà máy Z121 (Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21) cũng tạo được thương hiệu với các sản phẩm kinh tế, nổi bật là pháo hoa, các loại phụ kiện nổ phục vụ công nghiệp khai thác, đạn tín hiệu cho báo bão, hàng hải, quả cầu chữa cháy...

Đại tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, dây chuyền sản xuất của Nhà máy vừa phục vụ yêu cầu sản xuất quốc phòng, vừa đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân. Với sự đóng góp của các sản phẩm kinh tế, quy mô doanh thu của Nhà máy gia tăng nhanh chóng, năm 2023 đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng, là một trong những đơn vị đạt doanh thu lớn trong số các nhà máy CNQP. Phát huy hiệu quả lưỡng dụng của dây chuyền sản xuất giúp Nhà máy có thêm nguồn lực đầu tư trang thiết bị, máy móc, quay trở lại đáp ứng cho sản phẩm quốc phòng, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư và giữ chân, gây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động.

Hình thành cơ chế tài chính vững mạnh

Nguồn lực đầu tư cho CNQP, AN, ĐVCN là một trong những nội dung được chú trọng tại dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN. Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, liên quan đến nguồn lực về tài chính, đầu tư, điểm mới của dự thảo luật là xây dựng một mục về nguồn lực cho CNQP, AN; trong đó có nguồn lực nhà nước; nguồn tài chính của doanh nghiệp; nguồn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ CNQP, AN và các quỹ hợp pháp khác chi cho CNQP, AN; nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự thảo luật cũng thiết kế nhiều cơ chế cho hoạt động đầu tư sản xuất, ưu tiên đặc biệt cho dự án, chương trình có tính vượt trội, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược. Cơ chế về tài chính trong luật không chỉ ở mục về nguồn lực mà còn ở rải rác trong các quy định về chế độ, chính sách cho các cơ sở CNQP, AN nòng cốt. "Dự thảo luật đã hình thành cơ chế tài chính rất mạnh, góp phần tháo gỡ vướng mắc lâu nay về cơ chế nguồn lực, tài chính, khắc phục việc nguồn lực có hạn nhưng lại tản mạn. Cần có chính sách đặc thù, vượt trội để có những ưu tiên, hỗ trợ, nhất là với việc phát triển các sản phẩm có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, mang tính rủi ro cao, đúng trọng tâm, trọng điểm", ông Trịnh Xuân An chia sẻ.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ủy viên Ban soạn thảo, Tổ phó Tổ biên tập dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN nhấn mạnh, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, AN, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn. Đã có nhiều đề án, chương trình mục tiêu nhưng chưa được bố trí vốn.

Một số chương trình chỉ bố trí được một phần vốn kế hoạch đề ra do nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mà ít được bố trí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm. Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển CNQP, AN còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa tạo được sức hút để các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Một số quỹ theo quy định của pháp luật (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp...) khó có thể sử dụng để triển khai những dự án, chương trình lớn. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhất là các nhiệm vụ có tính cấp bách, rủi ro cao, cần sự chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực.

Từ thực tế này, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng nhấn mạnh, việc hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển CNQP, AN là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, bảo đảm hiệu quả, khả thi trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao. Quá trình thảo luận, chỉnh lý dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, các ủy ban của Quốc hội để rà soát chặt chẽ các quy định về Quỹ CNQP, AN nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi luật có hiệu lực thi hành.

(còn nữa)

GIA MINH - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-nen-tang-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-hien-dai-tu-luc-tu-cuong-bai-1-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-778528