Tạo nguồn nhân lực lành nghề, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp
Nhờ nâng cao tay nghề, kỹ năng, học sinh, sinh viên (HSSV) các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được nhiều doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Tăng kỹ năng, sát nhu cầu thị trường
Những năm gần đây, sinh viên Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô và Logistics (Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp) được các DN, cơ sở sản xuất sẵn sàng tuyển dụng. Bởi đây là ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, nhiều sinh viên của trường có trình độ, tay nghề cao.
Thầy giáo Bùi Tiên Phong, Trưởng Khoa cho biết: Chương trình học dành 70% thời lượng thực hành, trong đó 40% thời gian thực hành tại DN. Nội dung giảng dạy được mô phỏng theo tài liệu DN cung cấp nên sát với yêu cầu thực tiễn. Sau thời gian thực hành, thực tập tại DN, sinh viên được rèn tay nghề, tác phong làm việc nên đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng sau khi ra trường.
Hiện trường có 24 ngành học bậc cao đẳng và 25 ngành bậc trung cấp, hằng năm đào tạo khoảng 7,3 nghìn HSSV. Để có nguồn nhân lực chất lượng, nhà trường đã xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo hướng “học đi đôi với hành”, “trường gắn với DN” giúp người học được tiếp cận với thực tiễn. Bên cạnh kịp thời nắm bắt, ứng dụng những công nghệ mới trong tổ chức quản lý, giảng dạy, trường chủ động, tăng cường hợp tác với các DN, cơ sở đào tạo quốc tế.
Mới đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam đã bố trí cho từ 1-1,2 nghìn sinh viên hệ cao đẳng của nhà trường thực tập. Sinh viên vừa được trải nghiệm công việc tại Công ty vừa có thu nhập và nếu có nguyện vọng sẽ được nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Sinh viên Trần Hoàng Anh, Khoa Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử nói: “Trong thời gian thực tập tại Công ty TNHH LG Display Việt Nam, em được tiếp cận trang thiết bị hiện đại giúp nâng cao tay nghề. DN thường xuyên có đợt tuyển dụng nên đây là cơ hội để em tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường”.
Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang đẩy mạnh liên kết hợp tác với DN, đổi mới chương trình giảng dạy sát thực tiễn.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ đầu năm học, trường tích cực điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Bổ sung danh mục và tập trung đào tạo các ngành, nghề như: Điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, hàn. Đây đều là những ngành trọng điểm mà các nhà đầu tư có nhu cầu cao về nhân lực, tạo cơ hội tìm việc sau tốt nghiệp cho HSSV. Đơn vị xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà trường - DN - người học, thường xuyên cử cán bộ theo dõi, nắm bắt nhu cầu nhân lực của DN để giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Hơn 90% HSSV cao đẳng, trung cấp có việc làm sau tốt nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở GDNN, mỗi năm tuyển sinh, đào tạo khoảng 30 nghìn người. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang xác định công tác GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, tỉnh dành nguồn vốn đầu tư công xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở GDNN và bố trí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị đào tạo nghề, người lao động học nghề.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, hằng năm có hơn 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và hơn 80% tốt nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn tìm được việc làm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong toàn tỉnh đạt gần 76%.
Thị trường hiện nay coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của người lao động. Trong tuyển dụng, nhiều DN tại các khu công nghiệp yêu cầu lao động đã qua đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn, đáp ứng khắt khe về kỹ năng nghề nghiệp, vị trí việc làm. Trước thực tế này, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của DN. Cùng đó, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động để tập trung đào tạo một số nghề trọng điểm.
Chương trình giảng dạy được điều chỉnh, chú trọng kỹ năng thực hành, trong đó khoảng 30-40% thời lượng chương trình là đào tạo tại DN. Do đó, các đơn vị GDNN chủ động liên kết với DN trong đào tạo; tranh thủ các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác. Hiện Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp được đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN. Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống phòng thực hành thông minh kết nối máy tính với các thiết bị điện, điện tử phục vụ giảng dạy.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hằng năm có hơn 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và hơn 80% tốt nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn tìm được việc làm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong toàn tỉnh đạt gần 76%. Nhiều DN đánh giá cao năng lực, tay nghề của HSSV sau khi được đào tạo tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện Công ty TNHH Luxshare - ICT ở KCN Quang Châu (Việt Yên), hiện nay, đơn vị đã hợp tác với một số trường nghề trên địa bàn tỉnh để “đặt hàng” và được cung ứng nguồn lao động nên việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao thuận lợi.
Dự báo những năm tới, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhất là ở những DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp tăng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cơ hội việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp là mục tiêu của GDNN.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, các cơ sở GDNN tiếp tục chủ động xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, giáo dục sâu về quan hệ lao động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho HSSV. Trong đó, thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, bảo đảm giải quyết việc làm cho HSSV sau đào tạo. Cùng với nâng cao trình độ giáo viên, các cơ sở GDNN nên xây dựng cơ chế chính sách thu hút chuyên gia kỹ thuật tại các DN tham gia giảng dạy.
Vi Lệ Thanh