Tạo nguồn và kiểm soát nguyên liệu chế biến hải sản

Tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài được đánh giá là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản. Nhờ vào các điều kiện địa lý và tự nhiên đã tạo nên nhiều hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú về thủy sản. Do số lượng sản phẩm phong phú và đa dạng, mặt hàng thủy sản của tỉnh có nhiều cơ hội cạnh tranh cao trên thị trường tiêu dùng và xuất khẩu.

Nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng

Nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận được biết đến khá phong phú về chủng loại, được xếp vào 1 trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước, vùng ven bờ của tỉnh còn là nơi sinh sống của một số loài thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao như: điệp quạt, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, dòm… đây là các loài hầu như không gặp ở các vùng biển ven bờ khác của Việt Nam. Sự phong phú về nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận gắn với hiện tượng đặc trưng “nước trồi” ở vùng biển Nam Trung bộ có tác động tích cực đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật, tập trung nhiều loài hải sản vùng nhiệt đới tạo nên sự phong phú cho quần thể sinh vật biển. Bình Thuận có 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo, với 36 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển. Nhiều địa phương có nghề cá phát triển từ lâu đời và có thế mạnh của ngành ngư nghiệp của tỉnh dựa trên các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng nguồn lợi và yếu tố truyền thống bao gồm các ngành, sản phẩm chủ lực như khai thác hải sản, nhất là khai thác xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản hàng đông, khô, nước mắm, nuôi và sản xuất tôm giống, giống cá biển chất lượng cao. Ngoài ngư trường thuận lợi, Bình Thuận còn có các cảng, bến cá kết hợp nơi tránh trú bão cho tàu cá đã trở thành các đầu mối dịch vụ hậu cần, thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến, cung ứng vật tư, nhiên liệu phục vụ khai thác, tăng khả năng đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, khai thác hải sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng tại các địa phương ven biển, hải đảo và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành ngư nghiệp. Khai thác hải sản đã giải quyết số lượng lớn lao động vùng biển, tạo nguồn thu nhập chính cho hàng chục ngàn hộ ngư dân, cung cấp nguyên liệu cho chế biến và nguồn thực phẩm có giá trị cho du khách. Đặc biệt, sản xuất tôm giống được xem là lợi thế nổi trội của tỉnh, trở thành trung tâm cung ứng tôm giống lớn của vùng và cả nước, uy tín, chất lượng giống từng bước được khẳng định.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Đ.Hòa

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Đ.Hòa

Tạo nguồn nguyên liệu để chế biến hải sản

Với tiềm năng và lơi thế từ nguồn lợi hải sản, ngành chế biến hải sản của tỉnh hiện nay đang trên đà phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng với quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, xuất khẩu hải sản cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh, đóng góp tiềm năng đáng kể cho nền kinh tế cũng như dịch vụ logistics toàn tỉnh. Nguồn cung nguyên liệu cho chế biến hải sản hiện nay trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu, năng lực chế biến theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, gồm hải sản từ khai thác, nuôi trồng.

Để tạo nguồn nguyên liệu chế biến từ khai thác hải sản, UBND tỉnh cho biết sẽ tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản, phát triển khai thác xa bờ hiện đại gắn với dịch vụ hậu cần trên biển, nâng sản lượng hải sản vùng khơi chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng sản lượng đánh bắt. Đồng thời sắp xếp, duy trì hợp lý số lượng tàu cá và sản lượng khai thác tại vùng lộng, vùng bờ phù hợp đặc điểm nguồn lợi, khả năng khai thác gồm các loài hải đặc sản như: mực, tôm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, nhất là công nghệ bảo quản thủy sản hướng tới giảm tỷ lệ tổn thất sau khai thác xuống dưới 10% vào năm 2030. Đồng thời tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cảng cá trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ tiếp nhận, bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm, thương mại sản phẩm khai thác để thu hút mạnh tàu cá từ các tỉnh tập kết, tiêu thụ hải sản, hình thành các trung tâm cung ứng nguyên liệu hải sản thông qua các cảng cá tại Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi, Phú Quý. Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp chế biến hải sản làm nòng cốt, các thành phần trong chuỗi liên kết gồm tổ, đội, ngư dân trực tiếp khai thác, cơ sở thu mua tại cảng cá đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành phần trong chuỗi, tạo thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp theo quy định...

Bên cạnh đó đầu tư, phát triển hệ thống kho lạnh đạt chuẩn phục vụ bảo quản nguyên liệu gắn với hạ tầng cảng cá, các khu, cụm công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm nghề cá. Đặc biệt là tạo nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản, theo đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, phát triển các loài nuôi chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là tôm và các loài nuôi theo nhu cầu chế biến. Tổ chức thí điểm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với tổ chức, cá nhân nuôi biển công nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu theo nhu cầu chế biến, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến hải sản trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có quy mô lớn nhập khẩu nguyên liệu chế biến sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tao-nguon-va-kiem-soat-nguyen-lieu-che-bien-hai-san-120215.html