Tạo niềm tin số qua xác thực định danh trên VNeID
Ứng dụng VNeID do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) phát triển đang và sẽ triển khai nhiều tiện ích giúp người dân không cần phải đi lại nhiều để hoàn tất các thủ tục hành chính, chỉ cần thao tác ngay trên điện thoại thông minh.

Người dân sử dụng nhiều tiện ích trên ứng dụng VneID
Sau khi nhiều loại sữa giả được lực lượng chức năng công bố, người tiêu dùng mới ngỡ ngàng không biết người bán là ai vì mua hàng qua mạng xã hội (MXH). Khi người bán gỡ bỏ nội dung bài viết thì không biết truy vết, tìm ở đâu.
Trước thực tế này, tại tọa đàm “Để kết nối VneID an toàn và tiện lợi” mới đây, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về việc bán hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên các nền tảng số như sữa giả, sữa kém chất lượng, thuốc giả vừa bị phanh phui, đơn vị đã có công văn yêu cầu một số nền tảng bán lẻ dược phẩm tháo gỡ tất cả những sản phẩm thuốc kê đơn và sẽ rà soát liên tục.
Không chỉ các sản phẩm dược, nhiều sản phẩm tiêu dùng được người bán quảng cáo một đằng nhưng bán và gửi hàng đến người mua sản phẩm chất lượng không như quảng cáo. Lúc này người tiêu dùng muốn khiếu nại cũng không được vì người bán đã chặn số điện thoại, chặn tài khoản mạng xã hội...
Theo bà Lê Thị Hà, hiện nay nhiều người bán hàng sử dụng sim rác và điện thoại thông minh để xác thực thông tin, kết nối với app ngân hàng điện tử để mua bán trên mạng.
Vì vậy, việc truy cứu rất khó khăn khi sim rác này không còn sử dụng nữa. Do đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã nghiên cứu trình Bộ Công thương hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thương mại điện tử, liên quan đến 5 chính sách, trong đó làm sao xác thực danh tính của người bán trên nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả mạng xã hội.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, để môi trường thương mại điện tử có thể phát triển được, cần xây dựng niềm tin số. Ngoài niềm tin về chất lượng sản phẩm cần xây dựng sự tin cậy về người bán hàng, dù ở môi trường ảo, nhưng người bán không thể là người ảo và phải được xác thực danh tính.
“Chúng tôi mong muốn khi niềm tin số được luật hóa bởi xác thực danh tính thì người bán trên môi trường ảo sẽ thực tế hơn, được kiểm soát thông tin tốt hơn. Thậm chí khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tháo gỡ hàng hóa, sản phẩm”, bà Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, ngoài niềm tin số còn có ứng dụng VneID, một nền tảng quản lý số, không phải quản lý trên giấy tờ.
“Chúng tôi mong Cục Thương mại điện tử sẽ quản lý số bằng việc yêu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Khi có VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn”, bà Hà nói.
Hiện nay, các địa phương đang trong quá trình sáp nhập, nhiều người dân băn khoăn về việc sẽ phải thay đổi, làm lại nhiều loại giấy tờ. Giải đáp vấn đề này, thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, đến nay Trung tâm đã cấp khoảng 82 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) cho người đủ điều kiện, theo địa danh hành chính cũ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc sử dụng các loại giấy tờ cũ được điều chỉnh theo khoản 1, Điều 21 Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, các giấy tờ được cấp trước thời điểm sắp xếp nếu còn giá trị sử dụng thì người dân vẫn được tiếp tục dùng bình thường. Cũng theo thiếu tá Hiển, Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội cũng khẳng định, các văn bản, giấy tờ của cơ quan nhà nước được ban hành trước đây vẫn có thể sử dụng nếu còn giá trị.
Đối với CCCD, khi có sự thay đổi về địa giới hành chính, người dân không bắt buộc phải đi cấp đổi. “Việc cập nhật danh mục đơn vị hành chính sau sáp nhập sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Cụ thể, sau khi Tổng cục Thống kê ban hành danh mục địa giới hành chính mới, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiếp nhận và phối hợp với các địa phương để cập nhật trên hệ thống. Các thông tin giấy tờ tích hợp trong VNeID sẽ có giá trị tương đương bản giấy. Nếu người dân cần sử dụng giấy tờ truyền thống thì đến cơ quan công an để cập nhật”, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ.
Thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin, đến nay đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu lượt/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần so với năm 2023).
Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho các đơn vị, tổ chức trên VNeID. Từ ngày 1.7 tới đây, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường. Đồng thời, dự kiến từ 1.7 sẽ triển khai cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ về những tiện ích đã được triển khai trên ứng dụng VNeID. TS Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, ngành Y tế đã triển khai tích hợp giấy chứng sinh, giấy báo tử lên VNeID để phục vụ cho nhóm thủ tục hành chính liên thông là đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em.
Cùng với đó đã tích hợp lên VNeID giấy khám sức khỏe phục vụ cấp, đổi giấy phép lái xe. Bà Đặng Thị Oanh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho hay, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp, xét tuyển các cấp hoàn toàn có thể đăng nhập qua tài khoản VNeID để đăng ký.