Tạo nơi chốn hấp dẫn dòng vốn và công nghệ châu Âu
Khởi đầu năm 2024 cho thấy các tín hiệu khả quan để dòng vốn từ liên minh châu Âu (EU) tiếp tục rót vào Việt Nam cho sản xuất công nghiệp và đóng góp phát triển kinh tế.
Vốn đầu tư của các quốc gia thuộc EU tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp châu Âu than phiền những khó khăn về hành chính là thách thức lớn của họ khi hoạt động tại Việt Nam.
Nhộn nhịp dòng vốn đổ vào các dự án
Tại sự kiện ra mắt Sách trắng thường niên lần thứ 15 vào ngày 16-1 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), phấn khởi nhận định dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt.
“Dấu hiệu quan trọng của điều này là đầu tư của châu Âu vào Việt Nam gia tăng. Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu đô la Mỹ. Điều này nhấn mạnh niềm tin của EU đối với Việt Nam”, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, nói.
Theo tìm hiểu KTSG Online, việc rót thêm 100 triệu đô la của Nestlé là nhằm nâng công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai, nâng tổng đầu tư tại nhà máy lên hơn nửa tỉ đô la.
Hiện các sản phẩm cà phê sản xuất tại Nestlé Trị An đã được xuất khẩu đi gần 30 quốc gia trên thế giới. Chia sẻ khoản đầu tư mới, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết: “Dự án là cam kết đầu tư dài hạn của Nestlé tại Việt Nam. Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động, công suất của nhà máy sẽ tăng lên gấp đôi…, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng cà phê giá trị cao cho thế giới”.
Tính đến nay, Tập đoàn Nestlé đã đầu tư gần 830 triệu đô la thông qua Nestlé Việt Nam với 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, công ty đang vận hành 3 nhà máy, trong đó Nestlé Trị An là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của Tập đoàn trong đó có thương hiệu nổi tiếng Starbucks.
Còn nhà đầu tư mới như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) thì đang rót vốn triển khai thực hiện dự án hơn 1 tỉ đô la ở tỉnh Bình Dương. Trong chuyến công tác đến Việt Nam và có buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Bình Dương ngày 10-1 vừa qua, ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó Chủ tịch Cấp cao, phụ trách hoạt động sản xuất của Tập đoàn LEGO tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết việc thực hiện dự án nhà máy tại VSIP 3 đến nay đã hoàn thành đúng tiến độ. Nhà máy có thể đi vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2024 và hoạt động đầu năm 2025.
Đáng chú ý, dự án sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và khí thải đạt tiêu chuẩn quốc tế nên có tác động rất tích cực đến môi trường, hệ sinh thái.
Có thể thấy, cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, Việt Nam ngày càng trở nên nổi bật như một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty EU tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng hậu Covid-19.
Hàng loạt doanh nghiệp từ khu vực này đã tăng cường tìm kiếm thị trường và cơ hội đầu tư Việt Nam. Trao đổi với KTSG Online, ông Frederic De Boer, đồng sáng lập GMAP (Global M&A Partners), cho biết hiện nay lĩnh vực hẫp dẫn của nền kinh tế gần 100 triệu dân đối với nhà đầu tư EU là mảng sản xuất.
“Các doanh nghiệp này có cơ sở ở Trung Quốc và đang muốn dịch chuyển sang Việt Nam, họ đã tìm hiểu về nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và bày tỏ sự hài lòng nên đang tìm hiểu để có thể đầu tư nhà máy tại Việt Nam”, ông Frederic nói.
Còn Tập đoàn Adidas của Đức gia tăng nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 50 doanh nghiệp và hơn 190.000 nhân viên – minh chứng cho sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty EU tại Việt Nam.
Theo ông Lionel Adenot, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam, Việt Nam có thể trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế.
Với hàng ngàn dòng sản phẩm được bày bán tại gần 2.100 cửa hàng ở 56 quốc gia và khu vực, nhà bán lẻ đồ thể thao của Pháp cho biết rất muốn tìm thêm nhiều nguồn hàng sản xuất ở Việt Nam, từ trang phục, giày dép, dụng cụ tập thể thao, xe đạp, đồ dùng dã ngọa…
Kỳ vọng môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện
Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham, do Decision Lab thực hiện vừa công bố, đạt 46,3 trong quí 4/2023 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.
Dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn nhưng theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, xu hướng tích cực đang diễn ra, các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Cụ thể, kết quả khảo sát về chỉ số BCI cho thấy trong quí 4 vừa qua, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. Có 62% số người được khảo sát xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất.
Đáng chú ý, cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN, có 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu”. Và khoảng 45% ý kiến coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
Mặc dù vậy, theo vị Chủ tịch EuroCham, năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng, môi trường kinh tế không thuận lợi như trước năm 2020.
Thông qua khảo sát, EuroCham nhận được những thông tin giá trị về những thách thức pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phải đối mặt. 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh.
Có 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
Đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của 22% số người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, cho thấy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết.
Thêm vào đó, gần 20% công ty nhận thấy “các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài” là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành…
Ông Hans Kerstens, Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần của EuroCham, đề xuất Việt Nam tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics và cải thiện chỉ số hiệu quả hoạt động logistics của Việt Nam. “Hải quan cần có một bộ văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục hải quan, ưu đãi thuế quan, làm rõ các quy định phân loại mã HS và tiếp tục thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ”, ông nói.
Hay ông Michel Cassagnes, Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng (EuroCham), kiến nghị đơn giản hóa quá trình cấp chứng nhận thiết bị để tránh chậm trễ dự án.
Có thể nói để dòng vốn và công nghệ từ khu vực EU đến nền kinh tế gần 100 triệu dân nhiều hơn là cần nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, lo lắng nói trên của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách lúc này là cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao như khu vực EU. Hạ tầng vận tải và kho bãi của Việt Nam cần được nâng cấp càng sớm càng tốt, khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất, vốn là vấn đề mà các doanh nghiệp FDI lo ngại, sau khi diễn ra tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm ngoái…
“Điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính – trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp”, Chủ tịch EuroCham nói, và cho rằng “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng”.
Báo cáo khuyến nghị, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì FDI từ EU.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tao-noi-chon-hap-dan-dong-von-va-cong-nghe-chau-au/