Tạo quyền bình đẳng cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhờ tích cực thực hiện các giải pháp, quyền bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực được nâng lên. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ lao động được học nghề, giải quyết việc làm là nữ chiếm 49%. 100% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế. Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo các sở, ngành chiếm 15,35%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo các phòng, ban và tương đương trong 25 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh là 39,44%..
Đồng chí Đỗ Thị Loan, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động để tạo quyền bình đẳng cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực. Các hoạt động được lồng ghép vào chương trình công tác, quá trình xây dựng và hoạch định, thực thi chính sách của các cơ quan, đơn vị… Công tác phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng… được quan tâm. Từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), rút ngắn khoảng cách bất BĐG. Vị thế của phụ nữ được nâng lên. Phụ nữ khẳng định được vai trò trong gia đình và xã hội.
Năm 2019, để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức nhiều lớp tập huấn như: tập huấn nâng cao hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp về công tác BĐG cho 39 đại biểu thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, huyện; tập huấn kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 76 cán bộ nữ trong diện quy hoạch chức danh giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương giai đoạn 2020 - 2025; tổ chức 10 lớp tập huấn cho 840 đại biểu là nữ cán bộ dân cử, cộng tác viên LĐ-TB&XH của các xã, phường, thị trấn nâng cao kiến thức về BĐG, kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác.
Ngoài ra, UBND tỉnh tổ chức triển khai "Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình”. Trong Tháng hành động, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với trên 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh.
Các chính sách, pháp luật về BĐG, kỹ năng trợ giúp, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được trang bị thường xuyên cho công chức xã, phường, thị trấn. Năm 2019, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức 2 lớp tập huấn cho 50 công chức xã, phường, thị trấn các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy về công tác BĐG, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; 4 lớp tập huấn cho 200 cộng tác viên công tác xã hội, trưởng thôn, xóm và các hộ dân phường Đồng Tiến, Thịnh Lang (TP Hòa Bình).
Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ triển khai, duy trì có hiệu quả mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng tại xã Tân Pheo (Đà Bắc). Mô hình nhằm giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình. Nhờ triển khai tích cực mô hình, tình trạng bạo lực gia đình tại xã Tân Pheo giảm đáng kể. Từ hiệu quả của mô hình, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng đáp ứng thực tiễn tại địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã Tân Pheo được tham gia tập huấn về công tác BĐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.