Tạo ra huyền thoại
Từ 'huyền thoại' nay đã trở nên khá cởi mở và bình dân. Huyền thoại không nhất thiết còn là câu chuyện 'huyền hoặc' của thời xa xưa nữa, nó đã len chân đến hầu hết những ngõ ngách của cuộc sống với biên độ mở hơn rất nhiều: 'huyền thoại bóng đá', 'di sản huyền thoại' là những cụm từ dùng rộng rãi, ở đây, tôi muốn nói đến 'huyền thoại' về các nhà văn nổi tiếng.
Tôi nghĩ người mở đường cho những “huyền thoại” của những nhà văn hiện đại Việt Nam là Tản Đà. Tản Đà là một nhân vật rất quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam, là gạch nối giữa thời trung đại và hiện đại.
Trong công trình “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã đưa Tản Đà ở vị trí đầu tiên với một bài viết rất trang trọng, thành kính. Các nhà văn tiền chiến như Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ… trong các trang hồi ký của mình cũng rất cung kính tôn Tản Đà ở vị thế “anh cả” của làng văn Việt.
Tài thơ văn của Tản Đà thiết nghĩ không cần nói nhiều nữa, nhưng cuộc đời và cách sống của ông cũng đầy chất huyền thoại. Một phẩm chất “ngông” rất nghệ sĩ được nhiều người kính nể và lưu truyền.
Về cách sống của Tản Đà, có lẽ điều đầu tiên là ông rất coi trọng sự ăn uống. Ông biến sự ăn uống trở thành một nghệ thuật cầu kì và điệu nghệ. Đã có rất nhiều câu chuyện về cách ăn uống kì khu của Tản Đà, ví dụ một con ngỗng ông chỉ ăn món tái và gan hấp, món cá thì rất coi trọng bộ lòng, uống rượu thì chỉ dùng be không dùng chai và trong bữa nhậu thì phải có một vài cái hỏa lò (bếp than) đặt xung quanh mới thấy khoái thú.
Lúc Tản Đà còn sống, số người khen chê Tản Đà gần như ngang bằng nhau, chê kịch liệt nhất thì có thể kể đến Phạm Quỳnh trên tạp chí Nam Phong. Nhưng khi Tản Đả mất đi, người ta nhận thấy vai trò của Tản Đà rất quan trọng, nhiều tờ báo văn chương ra những số đặc biệt về ông và ngay trong năm nhà thơ mất (1939) có liền hai quyển sách viết về ông, đó là “Uống rượu với Tản Đà” của Trương Tửu và “Thi sỹ Tản Đà” của Lê Thanh.
Đặc biệt “huyền thoại” về sự ăn uống của Tản Đà được Nguyễn Tố kì công viết hẳn một quyển sách “Tản Đà thực phẩm” in năm 1944, sau khoảng chục năm được gần gũi, hiểu biết và thực hành sự ăn uống cùng với ông.
Sự đặc biệt của Tản Đà ở chỗ này, nếu các bậc hậu sinh như Thạch Lam, Nguyễn Tuân chẳng hạn chỉ cầu kì về cách ăn uống thì Tản Đà còn tự sáng chế ra những món ăn chưa từng có như “nước mắm sườn”, “ốc nướng vỏ sò”, “hoa đại ăn ghém”, “rau sắng nướng”… Thậm chí ông còn có ý định sản xuất và kinh doanh những sản phẩm mang tên mình như “mắm Tản Đà, “ớt Tản Đà”…
Khi Tản Đà viết trong “Khối tình con”: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa/ Người đi ta lại ở nhà/ Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm”, thì bà Song Khê, em ruột nhà thơ Tương Phố liền gửi cho Tản Đà ít rau sắng kèm theo mấy lời: “Kính dâng rau sắng chùa Hương/ Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa/ Không đi thì gửi lại nhà/ Thay cho dưa khú cùng là cà thâm”.
Tuy trọng ăn uống như vậy nhưng Tản Đà lại rất khí khái, ông quyết không làm những việc mình không thích hoặc lương tâm bị cắn rứt. Ví thử như khi thấy ông anh rể mình túng thiếu quá, người em vợ Tản Đà là Nguyễn Tiến Lãng khi ấy đang làm thư ký cho Toàn quyền Đông Dương René Robin muốn giới thiệu ông làm trong văn phòng tu thư trong Phủ toàn quyền để ông có tiền trang trải cuộc sống nhưng Tản Đà kiên quyết từ chối. Khi biết chuyện Tản Đà từ chối lời đề nghị làm việc cho Phủ toàn quyền, nhà văn Khái Hưng đã rất cảm kích, liền tặng Tản Đà một món tiền kha khá để nhà văn tiêu dần, nhưng Tản Đà sau đó đã làm ngay mấy chầu rượu tưng bừng đến nhẵn túi!
Là một người ham sống, ham chơi nhưng Tản Đà cũng có lúc chán đời đến mức tịch cốc để chết nhưng không thành. Gần cuối đời, lúc túng quẫn quá ông đã mở một phòng xem lí số và dạy chữ Nho nhưng không thành công. Cái chết của thi sỹ cũng do ông đi uống rượu ở nhà bạn, dọc đường về nóng bức quá liền nhảy xuống đầm tắm, bị cảm vài hôm rồi mất!
Một nhân vật cũng không có ít huyền thoại xung quanh đời mình là Hàn Mặc Tử. Ngoài là một nhà thơ với một sức sáng tạo mãnh liệt, việc mắc bệnh nan y và mất sớm cũng góp phần dựng lên huyền thoại Hàn Mặc Tử.
Cách đây gần chục năm, tôi vào Quy Nhơn và ra nhà thương Tuy Hòa thăm nơi Hàn Mặc Tử đã từng chữa bệnh. Tôi đã rất ngạc nhiên vì nhà thương Tuy Hòa có lẽ là bệnh viện duy nhất trên cả nước bán vé tham quan cho khách du dịch. Vì sao vậy, vì nơi đây có nhà thơ Hàn Mặc Tử đã chữa bệnh và mất ở đây. Trong lịch sử y khoa, có lẽ Hàn Mặc Tử trở thành bệnh nhân phong nổi tiếng nhất cả nước, thậm chí cái giường nơi nhà thơ đã từng nằm điều trị giờ đã thành kỉ vật quan trọng. Cả khu mộ táng và cải táng trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt có nghệ sĩ còn dựng lều ngay cạnh mộ ông để hành nghề và mưu sinh.
Huyền thoại về Hàn Mặc Tử chủ yếu liên quan tới quãng đời bị bệnh của ông và những người tình trong mộng. Người ta đã thống kê rằng, thi sĩ có ít nhất năm người tình, hoặc là người yêu ông hoặc là người ông yêu. Nào là Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương… người nào đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử dù ngắn hay dài đều khiến thi sĩ có những vần thơ để lại, thậm chí trở thành kiệt tác, ví dụ như với Hoàng Cúc và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Cuộc đời đau khổ và những người tình của Hàn Mặc Tử đã trở thành một đề tài được tranh luận trong một thời gian dài và có nhiều tác phẩm nghệ thuật viết về nó, thậm chí việc công bố những tác phẩm của ông đã khiến những người bạn thân của Hàn Mặc Tử kiện nhau ra tòa, đó là cuộc tranh luận gay gắt giữa Trần Thanh Mại và Quách Tấn về di cảo của ông.
Con dốc dẫn lên mộ Hàn Mặc Tử giờ được “đặt tên” cho một trong những người tình trong mộng của ông: Mộng Cầm. Ngay cả bệnh nhân nằm cùng Bệnh viện Tuy Hòa với ông, Nguyễn Văn Xê cũng viết hồi kí về ông… Cuộc đời ngắn ngủi và đau thương của thi sĩ bỗng chốc trở thành huyền thoại, người ta nâng niu, gìn giữ mọi cái liên quan tới ông và thậm chí một số địa phương đã từng tranh cãi để có được vinh dự là nơi an nghỉ cuối cùng của ông.
Một người cũng có nhiều “huyền thoại” và chất ngông của nghệ sĩ là Nguyễn Tuân. Tôi thì tin rằng Nguyễn Tuân ít nhiều ảnh hưởng phong cách của bậc đàn anh Tản Đà, nhất là trong việc ăn uống. Nguyễn Tuân sành ăn ra sao, khó tính thế nào đã được người ta truyền tụng trong rất nhiều bài viết, câu chuyện. Và cũng giống như Tản Đà, một người bạn thân của Nguyễn Tuân là Tô Hoài đã viết hẳn một cuốn sách hồi kí với nhân vật trung tâm là Nguyễn Tuân. Tô Hoài đã miêu tả chân dung Nguyễn Tuân rất sinh động và hấp dẫn từ sinh hoạt đời thường, ăn uống, cá tính. Cuốn “Cát bụi chân ai” đó cũng là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của đời văn Tô Hoài.
Bây giờ, thỉnh thoảng ta vẫn bị những câu chuyện từ huyền thoại về cách ăn uống của Nguyễn Tuân ảnh hưởng, ví dụ ăn phở sao cho ngon, uống rượu sao cho quý và cốt cách người nghệ sĩ cần phải thế nào. Nguyễn Tuân đã trở thành hình mẫu cho một kiểu chân dung văn nghệ sĩ, cũng giống như thứ văn cầu kì, trau chuốt đặc trưng của ông.
Một câu hỏi đặt ra, nhà văn tự tạo cho mình những huyền thoại hay người đời xây dựng lên. Tôi nghĩ là cả hai. Chỉ những nghệ sĩ lớn và có cá tính độc đáo mới có thể tạo dựng cho mình những huyền thoại, những người như Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Tuân là trường hợp kiểu đó. Tản Đà thậm chí còn tuyên bố rằng: “Chơi cho biết mặt sơn hà/ Cho sơn hà biết ai là mặt chơi”.
Những cá tính mạnh mẽ, khác thường không chịu bó mình trong một cái khung chật hẹp, họ có một phẩm chất đặc biệt mà khi đi vào bất cứ đám đông nào cũng trở nên nổi bật. Những người như Tản Đà hay Nguyễn Tuân rơi vào một tập thể nào đó, sự khác thường của họ mau chóng trở thành trung tâm của sự chú ý, dù người ta ưa hay không ưa.
Trường hợp như Hàn Mặc Tử tôi nghĩ hơi khác một chút. Thi sỹ rơi vào một hoàn cảnh khổ đau và bi thương và ở trong những tình huống đặc biệt, cuộc đời nhân vật rất dễ trở thành huyền thoại, nhất là một người có cá tính sáng tạo độc đáo như Hàn Mặc Tử.
Có thể Hàn Mặc Tử không có ý định tạo dựng ra huyền thoại cho riêng mình (ông quá khổ đau và không quan tâm đến chuyện ấy), nhưng người đời khi soi chiếu vào cuộc đời ông, họ không cưỡng lại được sự không thêm thắt những câu chuyện ly kì. Họ tạo ra những huyền thoại xung quanh ông để nó thêm lấp lánh, hấp dẫn, ví dụ như những người tình của ông, ai là người ông yêu thực, ai là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của ông…
Huyền thoại luôn tạo ra dư vị, sức hấp dẫn với công chúng và cũng giống như các vị thần, người ta cần phải tạo ra các huyền tích để thiêng liêng và sáng láng. Và các văn nghệ sĩ lớn, đôi khi họ cũng được/tạo ra các huyền thoại để cuộc đời và tác phẩm của mình trở nên bất tử.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tao-ra-huyen-thoai-582613/