Tiêu thụ tăng vọt, ngành điện căng mình

Với dự báo nắng nóng sẽ kéo dài và nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 2025, ngành điện lực đang đối mặt với bài toán đầy thách thức để đảm bảo cung ứng điện an toàn và liên tục.

Ngành điện trước thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho sinh hoạt và phát triển kinh tế năm 2025

Ngành điện trước thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho sinh hoạt và phát triển kinh tế năm 2025

Tiêu thụ điện tăng đột biến do nắng nóng

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, sản lượng điện cung cấp cho thành phố trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 9.600 triệu kWh, giảm nhẹ 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đáng chú ý, công suất cực đại ghi nhận mức tăng nhẹ 0,39%, đạt 9.419 MW.

Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, thời điểm nắng nóng gay gắt, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng vọt 16,32% so với tháng 2, lên gần 87 triệu kWh/ngày. Riêng điện sinh hoạt trong tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng, đạt 42,64 triệu kWh, cao hơn 20% so với tháng 3. Những ngày đầu tháng 4 và đầu tháng 5, nhiệt độ tại TP. Hồ Chí Minh dao động ở mức cao 35-37 độ C, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện liên tục leo thang, trung bình đạt 88,25 triệu kWh/ngày.

EVNHCMC dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2025 của thành phố sẽ đạt khoảng 32.150 triệu kWh, tăng hơn 12,4% so với năm 2024. Công suất cực đại hệ thống có thể chạm mốc trên 5.000 MW, tăng khoảng 2,7% so với năm trước. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với các sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam và nhiều hoạt động quan trọng khác trong năm, áp lực đảm bảo cung ứng điện an toàn và liên tục đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với ngành điện thành phố.

Cùng chung mối lo ngại, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam, đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ nhiều nơi chạm ngưỡng 38 độ C. Tình hình này đã đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, nhất là điện sinh hoạt và điện làm mát, tạo ra áp lực lớn lên toàn bộ hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương cho rằng, việc bảo đảm cung cấp điện ổn định cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm, nhận được sự quan tâm sát sao từ các cấp chính quyền và người dân. Ngành điện cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu phụ tải ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, ngành điện lực cũng đối diện với những thách thức không nhỏ. Năm 2025 còn là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Chung tay ứng phó nắng nóng, đảm bảo nguồn điện

Để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa nắng nóng sắp tới, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành điện, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bên cạnh đó, EVN đang nỗ lực đầu tư vào hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thành viên.

"Không chỉ dựa vào nỗ lực của ngành điện, sự đồng hành, chia sẻ và phối hợp từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội là yếu tố then chốt để đảm bảo điện trong mùa nắng nóng", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.

Về công tác tiết kiệm điện và chuẩn bị cho các tình huống bất khả kháng, ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết: "EVNSPC đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện chi tiết theo từng tháng và cho cả năm 2025. Chúng tôi cũng đã xây dựng các phương án dự phòng trong trường hợp hệ thống điện miền Nam hoặc quốc gia mất cân đối cung cầu, cũng như giám sát chặt chẽ công suất phát của các nhà máy thủy điện nhỏ".

Trong những tháng cuối năm, EVNSPC tiếp tục triển khai các chỉ đạo của EVN về cung cấp điện, tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện, dịch chuyển phụ tải và khai thác hiệu quả các công trình lưới điện 110kV vừa hoàn thành. Đặc biệt, EVNSPC đang theo dõi sát tình trạng vận hành của các đường dây và máy biến áp 110kV tại các khu vực có nguy cơ quá tải như Bình Dương, Đồng Nai để có giải pháp giảm tải ngắn hạn và dài hạn.

Ông Bùi Trung Kiên cho biết: "Trước tình hình dự báo nắng nóng, EVNHCMC đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp kỹ thuật như kiểm tra, bảo trì toàn bộ lưới điện, đặc biệt là các trạm biến áp và đường dây trọng điểm, nhằm ngăn ngừa tình trạng quá tải cục bộ. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh các giải pháp chuyển tải, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện".

EVNHCMC cũng tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Việc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cơ quan và doanh nghiệp được xem là một giải pháp quan trọng để giảm tải cho hệ thống điện vào giờ cao điểm.

Chia sẻ về công tác điều độ hệ thống điện miền Nam, ông Lê Đặng Xuân Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (SSO), cho biết: "SSO đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo điện mùa khô, đặc biệt trong các tháng cao điểm. Chiến lược điều độ hiện tại tập trung vào vận hành tối ưu và linh hoạt. Các nguồn thủy điện vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng phải đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm. Việc điều tiết nước hợp lý sẽ đảm bảo cung cấp điện cho hiện tại và duy trì khả năng phát điện cho các tháng tiếp theo".

SSO cũng đang phối hợp chặt chẽ với EVN và A2 để tính toán các kịch bản vận hành, đảm bảo cân bằng giữa việc bảo toàn và khai thác công suất của các nguồn thủy điện và nhiệt điện, từ đó tránh quá tải hệ thống và tối ưu chi phí.

Trong trường hợp nắng nóng kéo dài hoặc xảy ra sự cố lớn, SSO sẽ kích hoạt các biện pháp điều chỉnh phụ tải, bao gồm chuyển tải sang khu vực ít căng thẳng hơn, đưa ra các cảnh báo sớm và thông báo khẩn cấp, đồng thời vận động khách hàng lớn tiết giảm phụ tải tại các khu vực có khả năng cắt giảm linh hoạt.

Ông Tân nhấn mạnh: "Tối ưu hóa vận hành hệ thống là chìa khóa để giảm áp lực lên lưới điện. Việc điều tiết phụ tải hợp lý không chỉ giúp giảm quá tải thiết bị mà còn tăng hiệu quả kinh tế của hệ thống. EVN đang thực hiện phân bố lại công suất theo vùng, chia đều tải để tránh dồn vào các nút thắt truyền tải truyền thống".

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tieu-thu-tang-vot-nganh-dien-cang-minh-163187.html