Tạo sinh kế cho người dân tộc thiểu số ở Tràng Định (Bài cuối): Đẩy mạnh chăm lo phát triển kinh tế - xã hội

Việc phát triển những mô hình kinh tế HTX hiệu quả đang giúp cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tràng Định (Lạng Sơn) ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đặc biệt là việc coi chăm lo phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cây thạch đen, quế, hồi... giai đoạn 2021- 2025 định hướng đến năm 2030, huyện đã và đang triển khai các chính sách đặc thù, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3%/năm

Theo đó, UBND huyện Tràng Định sẽ đẩy mạnh kêu gọi các DN, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, tăng cường kết nối giữa DN, HTX với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Tràng Định đang đặt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân xuống 3%/năm.

Huyện Tràng Định đang đặt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân xuống 3%/năm.

"Đặc biệt, việc phát triển các vùng sản xuất và xây dựng các chuỗi liên kết đối với 2 loại cây quế, thạch đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tràng Định. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm", ông Thiện chia sẻ.

Năm 2021, huyện Tràng Định đặt mục tiêu tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 52,4 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán tỉnh giao; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 11,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3%/năm; trồng rừng mới đạt 1.200 ha…

Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của huyện Tràng Định. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt được các chỉ tiêu chủ yếu: Lượng khách du lịch ước đạt 200 nghìn người, doanh thu du lịch đạt 112,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,8%/năm. Thu nội địa tăng bình quân 8%/năm.

Đến năm 2025, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 12 xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 5 xã, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của cả giai đoạn đạt 14 - 16 tiêu chí.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Về chính sách hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Văn Khi - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện Kế hoạch 27/KH-BDT, ngày 16/3/2021 của Ban Dân tộc tỉnh, vừa qua, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tiến hành khảo sát thực tế một số hộ dân tộc thiểu số ít người thuộc diện hộ nghèo tại xã Khánh Long, huyện Tràng Định và một số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Ban cũng tham vấn trực tiếp một số hộ dân tộc thiểu số ít người thuộc hộ nghèo trên địa bàn xã; làm việc, lấy ý kiến đối với các đại diện tại các xã; nghiên cứu báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn xã nơi đoàn công tác đến khảo sát. Đồng thời, thu thập các ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề người dân cần hỗ trợ, giúp đỡ để thoát nghèo...

Chăm lo phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

Chăm lo phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

Qua chuyến khảo sát, Đoàn công tác đã thu thập được những thông tin quan trọng để phục vụ tham mưu xây dựng chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người, giai đoạn 2021 – 2025.

Điểm lại những kết quả đạt được trong giai đoạn 2017-2020, ông Lý Văn Khi cho biết, các đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số ít người có dân số dưới 10%/ tổng dân số toàn tỉnh, là hộ nghèo, có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III). Số hộ được thụ hưởng chính sách là 15.065 lượt hộ, trên địa bàn của 07 huyện (Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Tràng Định, Đình Lập, Bắc Sơn, Bình Gia).

"Chính sách đã được Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, xã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cơ bản kịp thời, đồng bộ có hiệu quả từ việc hướng dẫn, rà soát, bình xét hộ dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ đảm bảo theo quy trình, đúng đối tượng, nội dung hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương vùng thụ hưởng", ông Khi chia sẻ.

Trong cuộc làm việc với tỉnh Lạng Sơn mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Chương trình 135 và Chương trình 30a được triển khai đồng bộ và đạt kết quả khá toàn diện (đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ...). Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, "tỉnh Lạng Sơn cần phải kiên trì, kiên quyết thực hiện các nguyên tắc lớn là: Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chăm lo phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-thoi-su/tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-o-trang-dinh-bai-cuoi-day-manh-cham-lo-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1079610.html