Tạo sinh kế cho người nghèo vùng biên ở Thanh Hóa

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng chục nghìn hộ dân ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được vay; hàng nghìn hộ dân đã vượt qua ngưỡng nghèo.

Đàn bò của gia đình bà Cao Thị Tân, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn. (Ảnh: NHCC)

Đàn bò của gia đình bà Cao Thị Tân, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn. (Ảnh: NHCC)

Trở thành hộ khá giả nhờ vay vốn ngân hàng

Nhiều năm qua, hàng chục nghìn hộ dân nghèo ở huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Nhờ nguồn vốn vay này, mà người dân đã thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Lương Văn Phấn, ở bản Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH, mà giờ đây đã trở thành hộ dân khá giả ở địa phương.

Theo anh Phấn, năm 2016, gia đình anh đang thuộc diện hộ nghèo của xã. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, anh được Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn cho vay với số tiền 60 triệu đồng, để phát triển kinh tế.

Có vốn, anh Phấn đã đầu tư vào trồng luồng. Mô hình luồng của anh phát triển khá tốt, mang lại thu nhập cho gia đình. Khi đến hạn, anh đã trả nợ hết cho ngân hàng.

Đến tháng 12/2019, gia đình anh Phấn tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn cho vay 80 triệu đồng, để đầu tư mua 6 con bò sinh sản. Qua gần 5 năm, đàn bò của gia đình anh Phấn đã lên nhân lên thành 12 con.

Kết quả của phương án trồng luồng, chăn nuôi bò của gia đình anh sau khi trừ chi phí, giờ đây mỗi năm anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Hiện nay, gia đình Lương Văn Phấn không những thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá giả ở địa phương.

“Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Năm 2016, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn quan tâm cho vay vốn để phát triển kinh tế, với số vốn ban đầu là 60 triệu đồng. Với số vốn đó, tôi đã đầu tư trồng luồng.

Đến năm 2019, sau khi tôi trả hết số nợ ban đầu, tôi mạnh dạn làm hồ sơ vay thêm 80 triệu đồng để mua 6 con bò sinh sản. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Nếu không nhờ Ngân hàng CSXH, thì có lẽ, gia đình tôi khó mà thoát khỏi cảnh nghèo khó như trước kia”, anh Phấn tâm sự.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn (áo hồng) đi kiểm tra mô hình nuôi bò của hộ dân vay vốn theo chương trình hộ cận nghèo. (Ảnh: NHCC)

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn (áo hồng) đi kiểm tra mô hình nuôi bò của hộ dân vay vốn theo chương trình hộ cận nghèo. (Ảnh: NHCC)

Trường hợp của gia đình ông Cao Văn Toan, ở bản Phú Nam, xã Trung Xuân (Quan Sơn) cũng được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn cho vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm, với số tiền 100 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm, đàn bò của gia đình ông Toan phát triển rất tốt, đang mở ra lối thoát nghèo cho gia đình.

“Tháng 4/2023, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn cho vay vốn để phát triển kinh tế, với số tiền 100 triệu đồng. Có số tiền nêu trên, gia đình tôi mua 6 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi đang trong quá trình sinh trưởng rất tốt. Hy vọng, khi bò sinh sản, sẽ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi để thoát nghèo”, ông Toan chia sẻ.

Thực hiện tốt Chỉ thị của Trung ương

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện “Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” của UBND huyện Quan Sơn, ngày 15/5 vừa qua, cho thấy, cuối năm 2023 theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025, huyện có 9.262 hộ dân, với 42.087 nhân khẩu.

Trong đó, số hộ nghèo là 2.780 hộ (chiếm 30,02%); hộ cận nghèo là 3.034 hộ (chiếm 32,76%). Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là khoảng 30 triệu đồng.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 2/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); chưa có xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; 56 bản đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 9 bản đạt NTM kiểu mẫu.

Sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên.

Theo thống kê của UBND huyện Quan Sơn, trong giai đoạn 2014-2024, đã có 22.501 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 3.249 hộ.

Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Ông Chu Đình Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội được huyện rất quan tâm.

"Mặc dù ngân sách huyện còn hạn hẹp, nhưng xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội, nên hàng năm huyện trích một phần ngân sách chuyển cho Ngân hàng CSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn", ông Trọng thông tin.

Cũng theo ông Trọng, thời gian qua, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo Ban đại diện hội đồng quản trị, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện cho vay theo các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm của địa phương đảm bảo đúng quy định. Trong giai đoạn 2014-2024, nguồn ủy thác cấp huyện đạt hơn 3,3 tỷ đồng.

Đàn bò của gia đình ông Cao Văn Toan, ở bản Phú Nam, xã Trung Xuân (Quan Sơn) đang phát triển tốt. (Ảnh: NHCC)

Đàn bò của gia đình ông Cao Văn Toan, ở bản Phú Nam, xã Trung Xuân (Quan Sơn) đang phát triển tốt. (Ảnh: NHCC)

Ông Lê Anh Thiện – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn cho hay, tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 411 tỷ đồng, tăng trên 273 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, với 5.936 khách hàng đang có dư nợ; 14 chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện, nợ quá hạn và nợ khoanh ngày càng giảm.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp cho 3.249 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 34 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 517 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 488 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 8.708 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 385 hộ nghèo và đối tượng chính sách xây dựng được nhà ở...

Cũng theo ông Thiện, trong giai đoạn 2014-2024, Ngân hàng CSXH huyện Quan Sơn đã thực hiện giải ngân 895 tỷ đồng, với 22.501 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

“Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH đã tác động tích cực đến một bộ phận lớn người nghèo, hộ chính sách, vùng nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số mà trước đây họ không được tiếp cận do không có tài sản thế chấp. Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng việc ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Thiện chia sẻ.

“Có thể nói sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH”, ông Chu Đình Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-sinh-ke-cho-nguoi-ngheo-vung-bien-o-thanh-hoa-post685532.html