Tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư

Chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, giữ gìn cảnh quan môi trường… là những việc làm mà Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau tổ dân phố Cây Xanh, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) duy trì thường xuyên, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Các tuyến đường của tổ dân phố Cây Xanh, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) đều được chỉnh trang, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Các tuyến đường của tổ dân phố Cây Xanh, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) đều được chỉnh trang, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Những ngày này, có dịp trở lại tổ dân phố Cây Xanh, chúng tôi thấy các tuyến đường làng, ngõ phố đã được nhân dân chỉnh trang, vệ sinh sạch sẽ; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi… Có được kết quả này, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của ban quản lý tổ dân phố, thì vai trò, trách nhiệm của các thành viên Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau đã được phát huy.

Được thành lập năm 2022, đến nay, Tổ tự quản đã thu hút 86 thành viên ở nhiều độ tuổi tham gia. Với phương châm “ai giỏi việc gì làm việc đó”, Tổ tự quản chia thành 4 ban để hoạt động gồm: Ban vận động, tuyên truyền; ban tự giúp nhau; ban văn nghệ và ban y tế. Mỗi ban lựa chọn những hạt nhân điển hình, nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm để duy trì các phần việc ban mình phụ trách, đảm bảo phát huy hiệu quả.

Điển hình như ban vận động, tuyên truyền, ngoài việc vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thành viên cũng động viên bà con thực hiện tốt hương ước của tổ dân phố về thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng; tương trợ, giúp đỡ, động viên và thăm hỏi khi gia đình có việc hiếu...

Đặc biệt, thông qua hoạt động tuyên truyền, bà con trong tổ dân phố đã nâng cao ý thức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ phố, phát quang hành lang giao thông, thu gom rác thải... Ban đầu dù đã vận động nhưng cũng chỉ có khoảng 30-40% số hộ trong tổ dân phố tham gia các buổi vệ sinh chung, đến nay, khi tổ chức vào Chủ nhật hằng tuần đã có trên 90% số hộ tham gia; không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, rác thải được thu gom và tập kết đúng nơi quy định...

Học hỏi kinh nghiệm từ các hộ làm kinh tế giỏi trong Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau, gia đình bà Hoàng Thị Trọng trồng 5 sào hoa, mang lại nguồn thu nhập khá.

Học hỏi kinh nghiệm từ các hộ làm kinh tế giỏi trong Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau, gia đình bà Hoàng Thị Trọng trồng 5 sào hoa, mang lại nguồn thu nhập khá.

Để chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các thành viên cũng như người dân trong tổ dân phố, ban y tế cũng tăng cường cùng với truyền thông, tư vấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, các bệnh thường gặp và biện pháp phòng, tránh.

Chị Lê Thị Hồng Nguyệt, Trưởng ban Y tế: Ban gồm 7 thành viên là con em địa phương công tác tại các cơ sở y tế. Hằng tháng, chúng tôi tổ chức khám sức khỏe cho nhân dân trong tổ dân phố, mỗi người sẽ được ghi chép, theo dõi cụ thể các chỉ số về cân nặng, chiều cao, huyết áp... để mọi người nắm bắt sơ bộ tình hình sức khỏe của mình, qua đó kịp thời phát hiện và ngăn ngừa bệnh tật sớm nhất.

Thực tế hoạt động cho thấy, ưu điểm của Tổ tự quản là các thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Từ đó, các thành viên có thể học tập, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau không chỉ trong xây dựng nếp sống văn hóa, mà còn cả về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Với 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, hằng năm, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích, đưa các giống cây trồng chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành viên trong Tổ tự quản còn hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật để mang lại hiệu quả. Vào ngày mùa bận rộn, các thành viên cũng thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch, xuống giống cho kịp thời vụ.

Bà Hoàng Thị Trọng, hộ điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương: Tham gia Tổ tự quản, tôi đã học hỏi được kinh nghiệm từ các hộ làm kinh tế giỏi trong tổ dân phố. Vì vậy, những năm gần đây, tôi đã đưa vào trồng hơn 5 sào hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Toàn bộ diện tích hoa này đều được thương lái đến tận nơi đặt mua, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lãi khoảng 60-80 triệu đồng.

Đánh giá về hoạt động của Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau, ông Nguyễn Lương Hiền, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố Cây Xanh cho rằng: Với phương châm hoạt động vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản, sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình Tổ tự quản liên thế hệ cùng giúp nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội cùng nhân dân trong nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Nhờ đó, diện mạo của tổ dân phố đã có những thay đổi đáng kể, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên.

Tính đến hết năm 2024, tổ dân phố Cây Xanh còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; 125/130 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa...

Từ những kết quả đạt được, mô hình Tổ tự quản liên thế hệ tự giúp nhau tổ dân phố Cây Xanh đã được UBND phường Đắc Sơn đánh giá cao và chọn làm điểm để các tổ dân phố trên địa bàn học tập và nhân rộng trong thời gian tới.

Trịnh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202412/tao-su-gan-ket-trong-cong-dong-dan-cu-ea523ce/