Tạo sự thông thoáng trong cơ chế quản lý giáo dục
Đó là phát biểu tâm huyết của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân tại Hội nghị về việc bố trí số học sinh/lớp theo quy định Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, diễn ra vào sáng 28/8.
Theo Kế hoạch năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 469 trường công lập (mầm non 119 trường, tiểu học 204 trường, THCS 112 trường, trực thuộc sở 34 trường), so với năm học 2023-2024 dự kiến giảm 9 trường (mầm non 1, tiểu học 7, THCS 1). Số trường phổ thông được chia theo vùng như sau: vùng 1: có 130 trường (tiểu học 75, THCS 44, THPT 11); vùng 2: không có trường thuộc vùng 2; vùng 3: có 217 trường (tiểu học 129, THCS 68, THPT 20); trường chuyên biệt: 3 trường.
Tổng số học sinh toàn ngành năm học 2024-2025 dự kiến khoảng 238.794 học sinh, bố trí khoảng 7.055 lớp học; tổng số viên chức hiện có 14.690 người; số người làm việc được giao: 15.443 người; số được giao chưa tuyển dụng đến tháng 7/2024 còn 753 người.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh việc bố trí số học sinh/lớp tại các huyện, xã (đặc biệt là các điểm trường lẻ) thực tế số học sinh/lớp bố trí thấp hơn so với bình quân theo quy định vùng tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT. Nguyên nhân do đặc thù tỉnh Cà Mau là vùng sông nước, nhiều huyện có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, điều kiện đi lại còn khó khăn, hiện địa phương vẫn còn khoảng 309 điểm trường lẻ (mầm non 146 điểm, tiểu học có 153 điểm, THCS có 10 điểm, so với năm học 2023-2024 dự kiến xóa 6 điểm lẻ).
“Cơ sở vật chất trường học được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau, hiện nay hầu hết phòng học có diện tích khác nhau; cấp tiểu học có diện tích từ 36-54 m2, bình quân 45 m2/phòng (để đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia thì chỉ có bình quân khoảng 33 học sinh/lớp); diện tích phòng học cấp THCS, THPT đều có diện tích từ 42-68 m2, bình quân 55 m2/phòng (để đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia thì chỉ có bình quân khoảng 37 học sinh/lớp). Số chỗ ngồi trong lớp học bố trí tối đa khoảng 40 học sinh việc bố trí 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT thuộc vùng 3 theo quy định Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ở các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi sắp xếp do một số nơi có phòng học nhỏ hẹp, nếu kê thêm bàn các em học sinh sẽ ngồi sát bục giảng ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng giáo dục”, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, chia sẻ.
Theo quy định khoản 3 Điều 3 Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT “ việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh”. Đối chiếu với thực tế tại các cơ sở giáo dục là chưa phù hợp, vì khi chia lớp thì các trường căn cứ số học sinh của từng khối, không thể chia số lớp theo toàn bộ số học của toàn trường, cũng không thể ghép số học sinh sau khi đã chia bình quân còn dư ra của mỗi khối lớp để bố trí ghép thành 1 lớp được.
Một số điểm lẻ cấp tiểu học mỗi khối chỉ có 1 lớp, số học sinh ít không đủ để bố trí 1 lớp đủ số lượng học sinh theo vùng (vùng 1 bố trí 25 học sinh/lớp, vùng 3 bố trí 35 học sinh/lớp), không thể ghép lớp do chương trình khác nhau, điểm lẻ xa điểm chính nên địa phương vẫn phải duy trì để tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh đến trường. Theo quy định chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn, các trường xây dựng tổ hợp các môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập, học sinh đăng ký theo nguyện vọng và năng lực của mình. Do đó, biên chế số học sinh/lớp ở cấp THPT phải bố trí theo tổ hợp môn mà học sinh đăng ký theo từng khối lớp, do đặc thù từng khối lớp có các tổ hợp môn học khác nhau nên không thể dồn lớp để đảm bảo bình quân 45 học sinh/lớp, mặc dù không đủ 45 học sinh vẫn phải bố trí 1 lớp và bố trí đủ giáo viên các môn học để đảm bảo công tác giảng dạy.
Qua rà soát thực trạng ở các địa phương đối với những trường thuộc vùng 1 nếu bố trí số học sinh/lớp theo Thông tư 20 sẽ tăng thêm số lớp, thiếu phòng học, thiếu giáo viên; đối với các trường thuộc vùng 3 giảm số lớp, thừa giáo viên (thừa giáo viên cấp tiểu học và THCS).
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: “Biên chế lớp học là vấn đề cốt yếu nhất của một năm học, phải đi trước, Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành quy định tạm thời và ban hành trước khi nghỉ lễ 2/9. Từ hội nghị này, tỉnh Cà Mau sẽ cho cơ chế cụ thể, từ đó các địa phương áp dụng vào thực tế của đơn vị mình. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh quy chuẩn, định mức từng cỡ phòng học, làm cơ sở để các trường áp dụng, thực hiện. Chúng ta triển khai thực hiện phải dựa vào 3 căn cứ quan trọng nhất: số lượng học sinh trên khối lớp, điều kiện diện tích phòng học và vùng. Tạo sự thông thoáng trong cơ chế quản lý giáo dục, công tác quản lý sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tao-su-thong-thoang-trong-co-che-quan-ly-giao-duc-a34165.html