Tạo sức bật cho kinh tế khu vực nông thôn
TP. Thái Nguyên chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đến xã Phúc Hà thời điểm này, chúng tôi thấy hệ thống điện - đường - trường - trạm đã được đầu tư khang trang. Nhiều tuyến đường mới được người dân đồng thuận hiến đất, nộp tiền xây dựng. Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng xóm Um, xã Phúc Hà, cho biết: Chúng tôi đang làm tuyến đường liên xóm với chiều dài hơn 2km, mặt đường rộng 7m (cả lề đường), rộng gấp đôi so với tuyến đường cũ. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, đường cũ lại đã xuống cấp nên khi vận động bà con ai cũng đều đồng thuận. Theo đó, có gần 70 hộ hiến đất, với tổng diện tích trên 3.000m2 đất các loại. Ngoài ra, khoảng hơn 500 hộ (chiếm 80% tổng số nhân khẩu) còn đóng góp tiền hỗ trợ các hộ hiến đất để di chuyển tường rào vào phía trong, với kinh phí gần 400 triệu đồng. Tuyến đường này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay.
Theo ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà: Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã hẹp và xuống cấp đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân. Do đó, địa phương đã huy động sự vào cuộc của nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để chung sức mở rộng và làm mới đường giao thông. Tính từ năm 2022 đến nay, xã Phúc Hà đã làm được 12km đường giao thông, với tổng kinh phí trên 21,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng, còn lại là của nhân dân đóng góp. Ngoài ra, người dân còn hiến trên 5.000m2 đất các loại và nhiều tài sản, hoa màu trên đất.
Không chỉ ở xã Phúc Hà, chúng tôi đến các xã phía Tây của TP. Thái Nguyên, như: Quyết Thắng, Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức… cũng nhận thấy rõ sự thay đổi, khang trang ở khu vực nông thôn. Các tuyến đường giao thông nông thôn rộng thênh thang, nhiều ngôi nhà mới xây khang trang đã thể hiện cuộc sống ấm no của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, chia sẻ: Xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022. Đến nay, gần 94% tổng số chiều dài tuyến đường xã, trục xóm, ngõ xóm đã được trải nhựa, đổ bê tông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vận động nhân dân đóng góp để hoàn thiện các tuyến đường ở cụm dân cư, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ, xây dựng hạ tầng khang trang, sạch đẹp hơn nữa.
Xác định việc huy động sức dân là nguồn lực chính để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, nên thời gian qua, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP. Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Theo đó, TP. Thái Nguyên đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới từ thành phố đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để hướng dẫn triển khai thực hiện, tháo gỡ các khó khăn nếu có.
Chỉ tính riêng năm 2023, TP. Thái Nguyên đã huy động trên 77,2 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách Trung ương trên 20,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 18 tỷ đồng; còn lại trên 38 tỷ đồng là huy động từ người dân và cộng đồng. Từ nguồn vốn trên, TP. Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Riêng về giao thông, thành phố đã khởi công 16 tuyến đường nông thôn, với tổng kinh phí gần 128 tỷ đồng.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của TP. Thái Nguyên cùng sự vào cuộc của người dân, diện mạo khu vực nông thôn của thành phố ngày càng khang trang, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát, hiện nay, 100% xã trên địa bàn thành phố đều đạt tiêu chí giao thông theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiễu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao và tính đến cuối năm 2023, đạt 62,5 triệu đồng/người/năm.