Tạo 'sức bật' cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, đời sống đồng bào nhân dân các dân tộc của huyện Đồng Văn không ngừng được nâng lên. Đây là kết quả từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Đồng Văn là huyện miền núi, biên giới, có 18 dân tộc cùng sinh sống; các dân tộc cư trú xen kẽ trên địa bàn rộng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn hóa vùng miền. Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đã tạo “sức bật” cho đồng bào DTTS vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Trong giai đoạn 2015-2020, thông qua các chương trình lớn như: 30a, 135, 1672, 2085, 2086… nguồn vốn trên 500 tỷ đồng đã đến với người dân, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp phát triển ổn định, tỷ trọng ngành Chăn nuôi chiếm 37,6% với tổng đàn gia súc đạt trên 373 nghìn con; an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân lương thực đạt 358 kg/người/năm, không để xảy ra tình trạng thiếu ăn trong mùa giáp hạt. Du lịch có nhiều bước đột phá mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng lượng khách đến tham quan đạt trên 1,7 triệu lượt khách, vượt 402% so với giai đoạn 2011-2015. Từ đó tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là lao động địa phương, giúp nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã giúp bộ mặt nông thôn vùng cao ngày càng tươi sáng. Đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ dân được xem truyền hình đạt trên 76%. Đặc biệt, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ được quan tâm, tạo động lực cho con em vùng đồng bào DTTS tự tin vươn lên, nỗ lực đạt nhiều thành tích đáng tự hào.
Xã Sủng Là là nơi đời sống đồng bào DTTS có sự đổi thay mạnh mẽ nhất từ các chính sách dân tộc. Từ một xã biên giới còn nhiều khó khăn, đến nay, Sủng Là đã có đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà xây kiên cố, chuồng trại được di chuyển ra xa nhà, người dân được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Nhiều chương trình, đề án hỗ trợ đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt của xã như: Quyết định 2068 của Chính phủ hỗ trợ cho các DTTS rất ít người với sự ra đời của Tổ hợp tác may mặc thổ cẩm dân tộc Lô Lô, thôn Đoàn Kết, tạo điều kiện cho 15 chị em dân tộc rất ít người có thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng/tháng; nguồn hỗ trợ từ Chương trình 30a giúp hàng trăm hộ có vốn chăn nuôi, sản xuất, có thu nhập khá,… Đồng chí Thào Pháy Chá, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là cho biết: Sự thay đổi tích cực trên địa bàn xã là nhờ những nỗ lực vươn lên của bà con các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, các chính sách dân tộc được triển khai đến người dân có hiệu quả to lớn, được thể hiện qua những kết quả thực tế. Có thể nói, một nếp sống mới đang hiện hữu ở các thôn vùng sâu, xa, vùng cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định vùng DTTS đang dần bắt nhịp với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội.
Hiện, trên địa bàn huyện, các chính sách dân tộc vẫn tiếp tục được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như: Quyết định 3388 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, hàng năm hỗ trợ cho 225 người có uy tín tại các thôn trên địa bàn; Chương trình Chính phủ AiLen đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho một số xã khó khăn; Dự án P4E (Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển công bằng và toàn diện của cộng đồng các DTTS) hỗ trợ xây bể chứa nước, rãnh thoát nước cho 2 xã Lũng Táo và Sà Phìn…
Nhìn lại quá trình phát triển suốt nhiều năm qua, thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào dân tộc nơi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc. Nhờ những chính sách dân tộc đúng, hiệu quả được triển khai từng bước xây dựng nên một vùng đồng bào DTTS vững mạnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, củng cố QP - AN trên địa bàn tỉnh.