Tạo sức bật để nông dân vượt khó

Với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã tiếp sức giúp các hộ nông dân vượt khó vươn lên xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Hữu Đồng thăm mô hình trồng hoa thiên lý ở thôn Yên Bình, xã Yên Mỹ (Nông Cống).

Phát huy lợi thế của huyện miền núi với nhiều loại cây lâm sản và cây ăn quả, năm 2018 sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND, Hội Nông dân (HND) huyện Thạch Thành đã vận động các hộ nuôi ong lấy mật thành lập tổ hợp tác để liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Đồng thời, lựa chọn sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) hiện HTX ong mật Thành Kim đã tập hợp được 48 hội viên với tổng số hơn 1.500 đàn ong, mỗi năm thu trên 13 tấn mật. Năm 2022, sản phẩm mật ong Thành Kim của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Giám đốc HTX ong mật Thành Kim Lưu Văn Tĩnh cho biết: Khi tham gia HTX được HND huyện giới thiệu tham dự nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nuôi ong và được thực tế ở nhiều địa phương có nghề nuôi ong phát triển. Sau khi tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, được sự hỗ trợ của HND huyện đề xuất vay vốn Quỹ HTND với số tiền 50 triệu đồng, gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi, tách đàn ong lên đến 70 đàn. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi 130 - 150 triệu đồng/năm.

Với nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh, xã Yên Mỹ (Nông Cống) đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp với 10 thành viên. Được vay vốn Quỹ HTND, các thành viên HTX đã thực hiện mô hình trồng hoa thiên lý giúp các hộ nông dân nơi đây có nguồn thu nhập tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế địa phương. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Diện ở thôn Yên Bình trồng 2 ha hoa thiên lý, là hộ có diện tích trồng nhiều nhất của thôn. Nhờ có kinh nghiệm thực tế từ chọn cây giống, cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, nguồn nước tưới lại đảm bảo, nên toàn bộ diện tích hoa thiên lý của gia đình luôn phát triển tốt, vào mùa thu hoạch rộ bình quân mỗi ngày thu được 3 tạ, với giá bán từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg, cao điểm giá bán lên tới 60 nghìn đồng/kg, mỗi ngày gia đình thu về 5 - 6 triệu đồng từ bán hoa thiên lý. Ngoài cung cấp hoa cho thị trường, ông Diện còn cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất.

Chủ tịch HND huyện Nông Cống Trần Thị Huế cho biết: Quỹ HTND được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương; mô hình phải gắn với xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân. Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Thực hiện chỉ tiêu xây dựng Quỹ HTND do Trung ương HND Việt Nam giao năm 2024, HND các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ HTND. Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh xây dựng được 551,8 triệu đồng Quỹ HTND, nâng tổng số Quỹ HTND toàn tỉnh lên 46,891 tỷ đồng. Có 27/27 huyện xây dựng được Quỹ HTND, trong đó có 8 huyện có nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện đạt mức 1 tỷ đồng trở lên. Công tác cho vay vốn thông qua các dự án được Tỉnh hội quan tâm, ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định, văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ vay vốn của Trung ương Hội, Tỉnh hội yêu cầu Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh khi triển khai xây dựng dự án phải bám sát vào tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân để lựa chọn các dự án phù hợp với từng vùng, miền. Do đầu tư cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích nên hầu hết các dự án vay không có nợ quá hạn. Đến nay, dư nợ cho vay trên toàn tỉnh là 64.221 triệu đồng, thông qua 737 dự án cho 2.687 hộ vay.

Một số điển hình trong công tác cho vay nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn toàn tỉnh như Dự án “Trồng cây lá dong mở rộng sản xuất bánh lá răng bừa truyền thống gắn với xây dựng sản phẩm OCOP” tại xã Thạch Long (Thạch Thành) đã góp phần tạo vùng nguyên liệu và sản phẩm bánh lá răng bừa đạt OCOP 3 sao; Dự án “Trồng rau an toàn đạt VietGAP” xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) và Dự án “Trồng rau quả an toàn” xã Vạn Hòa (Nông Cống) đã góp phần xây dựng tạo vùng nguyên liệu rau quả an toàn đạt chuẩn VietGAP cho địa phương...

Có thể thấy, Quỹ HTND đã thực sự phát huy tác dụng thiết thực đối với các hộ nông dân, là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu, tạo phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, tạo niềm tin trong hội viên.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-suc-bat-de-nong-dan-vuot-kho-217696.htm