Tạo sức hút và nâng cao hiệu quả phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân

Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), phóng viên báo Tin tức có trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân?

Sau gần 40 năm thực hiện “Đổi mới”, quan điểm và nhận thức về kinh tế tư nhân được chú ý và tạo điều kiện phát triển, điều đó đã khích lệ, thúc đẩy khu vực kinh tế này nói chung, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần ngày càng quan trọng vào công cuộc “Đổi mới”, xây dựng đất nước.

Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP (trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 10% GDP), 59,5% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, 30% ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 34,1% (đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước là 27,7%).

Đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân cũng tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ bản là những người có kiến thức, có bản lĩnh trên thương trường; sự phát triển của các chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là sự phát triển, góp phần tạo phồn vinh cho đất nước. Nhận thức của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với chế độ, với Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn. Thời gian qua, một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân có nguyện vọng thiết tha vào Đảng, một số người được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... đã góp phần từng bước tháo gỡ những rào cản, sự mặc cảm, e dè trước đây của một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong sự quan tâm chung đối với kinh tế tư nhân, công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân đã được chú ý và có một số kết quả. Nhiều doanh nghiệp có đảng bộ, chi bộ vững mạnh như: Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Giầy Thái Bình, Tập đoàn Hương Sen, Tập đoàn BRG…Công tác này nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp và lên tổ chức đảng cấp trên, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, người lao động. Qua đó ta thấy, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay cần được chú ý hơn nữa, có định hướng và chương trình kế hoạch thực hiện, rất cần sự vào cuộc sâu sát hơn của cấp ủy các cấp, đặc biệt là ở những nơi có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động.

Thưa ông, thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay ra sao?

Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, Đảng ta cũng chú trọng đến việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế này nói chung và trong các doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Từ năm 1996 đến nay, nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân đã được ban hành.

Doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng sẽ bảo đảm được “tính đảng” trong thực hiện các hoạt động của mình, là chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xã hội… của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

Trên thực tế, xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến 31/12/2020, cả nước đã thành lập được 6.846 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Trong tổng số tổ chức đảng, doanh nghiệp tư nhân có 4.569 tổ chức cơ sở đảng, chiếm 8,4% tổ chức cơ sở đảng của toàn Đảng, với 113.042 đảng viên, chiếm 2,2% tổng số đảng viên toàn Đảng.

Việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng cũng đã đạt được kết quả nhất định. Đã có 2.575 chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng, trong đó, có 877 chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp theo Hướng dẫn 17-HD/BTCTW, chiếm 34,07% tổng số đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân (trong số 877 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân có: 712 chủ doanh nghiệp là giám đốc, chiếm 81,2%; 127 chủ doanh nghiệp là chủ tịch hội đồng quản trị CTCP, chiếm 14,5%; 18 chủ doanh nghiệp là chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH, chiếm 2,0% và 20 chủ doanh nghiệp tư nhân là thành viên công ty hợp danh, chiếm 2,3%).

Những chuyển biến tích cực trong xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân còn được thể hiện: Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Phần lớn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân đã phát huy vai trò là hạt nhân quy tụ được đảng viên tham gia, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, vận động công nhân, người lao động chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đoàn thể với lãnh đạo doanh nghiệp, được chủ doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Thực tế cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp tư nhân, kể từ khi có tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể, nhận thức của công nhân, người lao động được nâng lên rõ rệt, tình trạng đình công, lãn công được tiết giảm và khống chế, nội bộ đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất đạt năng suất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân cũng còn những hạn chế như: Số tổ chức cơ sở Đảng và số lượng đảng viên trên tổng số doanh nghiệp tư nhân hiện có còn khiêm tốn, thậm chí còn mỏng. Có hiện trạng này là do không ít cấp ủy, chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Đảng và phát triển đảng viên.

Trên thực tế vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, cũng như người lao động trong doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà với việc trở thành đảng viên, hoặc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, để đảng viên (có thể có) sinh hoạt Đảng tại phường, xã; lo ngại về những rườm rà và hành chính hóa hoặc thủ tục hóa làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Ngoài ra, nhiều công nhân thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ. Nhiều người học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác làm việc… Những khó khăn này dẫn đến số tổ chức đảng và số đảng viên/tổng số doanh nghiệp tư nhân và tổng số lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp, thậm chí nhiều nơi “trắng” tổ chức đảng.

Nhiều đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân là lao động phổ thông, ít tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật. Do đó, đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự tiêu biểu, chưa thực sự tiên phong và khả năng thu hút những người khác trong doanh nghiệp vào Đảng chưa cao.

Việc xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân còn lúng túng, chuyển biến chưa tích cực. Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân khó khăn về kinh phí hoạt động, còn phụ thuộc vào doanh nghiệp; chưa có chế độ khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác đoàn thể nói chung và công tác Đảng nói riêng…

Lễ kết nạp Đảng viên tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: TTXVN phát

Lễ kết nạp Đảng viên tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để tạo sức hút và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay?

Để tạo sức hút và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, cũng các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị kinh tế tư nhân.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có liên quan tới xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu, các bước trong quy trình, thủ tục để kết nạp đảng viên; phân công cấp ủy viên, cán bộ phụ trách tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân đã có tổ chức đảng, đảng viên, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên; đề ra giải pháp, nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Đối với doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức đảng, cấp ủy các cấp chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp tư nhân (nhưng hiện đang sinh hoạt tại tổ chức đảng không trong doanh nghiệp), khi có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và đang làm việc ổn định, thì tiến hành thành lập chi bộ; nếu số lượng đảng viên chưa đủ để thành lập chi bộ, cần chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một số tổ chức đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ mới.

Đảng bộ khối doanh nghiệp các tỉnh, thành, cấp ủy, chính quyền địa phương cử những cán bộ có năng lực, tâm huyết, có kiến thức về kinh tế thị trường, nắm rõ mô hình, cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp hoặc công tác quản trị của doanh nghiệp xuống cơ sở hỗ trợ công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân. Hướng dẫn tổ chức đảng tại các doanh nghiệp tư nhân xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp.

Cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện cho sinh hoạt đảng, đoàn thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp hoặc các thiết chế của công đoàn; tăng cường phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để tạo điều kiện cho tổ chức đảng và đảng viên trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ.

Đặc biệt, ưu tiên bồi dưỡng phát triển các chủ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, có bản lĩnh chính trị, văn hóa, liêm chính và năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp trở thành đảng viên, định hướng hoặc khuyến khích, cơ cấu cấp ủy viên hoặc là người đứng đầu chi bộ, đảng bộ tại doanh nghiệp tư nhân. Mạnh dạn đưa các chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia các khóa đào tạo về lý luận chính trị cả ở trình độ trung cấp lý luận chính trị và từng bước thí điểm tham gia các lớp học cao cấp lý luận chính trị. Thực hiện chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tới các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, hay lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-suc-hut-va-nang-cao-hieu-qua-phat-trien-dang-vien-trong-doanh-nghiep-tu-nhan-20250201113800716.htm