Tạo sức sống bền vững cho di sản

ĐBP - Góp phần gìn giữ và phát huy giá trị trường tồn của các di sản văn hóa, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trường học. Qua các hoạt động thiết thực, phù hợp giàu tính nhân văn đã giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn giá trị tự thân của các di sản văn hóa.

Trường THCS Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” vào cuối tháng 4/2021. Ảnh: C.T.V

Trải nghiệm là một trong những hoạt động vô cùng hữu ích được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Riêng trong năm 2021, chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” được tổ chức thành công tại Trường THCS Nà Tấu; 4 cuộc triển lãm ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng lịch sử” tại các trường THPT: Nà Tấu, Lương Thế Vinh và Trung học Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Các cơ sở giáo dục khác cũng tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, học tập thực tế tại khu quần thể di tích Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Hầm Đờ cát, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ... Nhiều hoạt động ngày hội sách, kể chuyện theo sách với các chủ đề lịch sử văn hóa được các nhà trường tổ chức tạo hiệu ứng lan tỏa trong học sinh, sinh viên tham gia khám phá, tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ta nói riêng.

Bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Không chỉ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục, học tập lịch sử địa phương đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, qua đó giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học đối với hình thành các kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần phát triển năng lực học sinh. Các trường khuyến khích đội ngũ giáo viên sưu tầm tư liệu, hình ảnh và xử lý thông tin, áp dụng sử dụng di sản văn hóa trong dạy học vào các bài học cụ thể. Nhiều giáo viên đã chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa, xây dựng hệ thống tư liệu về di sản văn hóa cho chủ đề dạy học nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh… Các trường phổ thông thực hiện tốt chương trình giáo dục địa phương, tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… Đối với cấp THPT, các trường giảng dạy về di sản văn hóa chủ yếu qua việc tích hợp, lồng ghép trong các buổi chào cờ, trong bộ môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ Văn, Giáo dục công dân và các hoạt động ngoại khóa, chương trình giao lưu, thi tìm hiểu...

Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã tổ chức hoạt động thuyết minh tuyên truyền giới thiệu về tình cảm của Bác Hồ với các dân tộc thiểu số Tây Bắc nói riêng qua bộ ảnh “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số”; giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thông qua chuyên đề “Di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh Điện Biên”; hoạt động trải nghiệm với các chủ đề: Kể chuyện chiến sĩ Điện Biên; đi tìm chân dung các anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; vận chuyển lương thực vào trận địa; nấu bữa cơm chiến sĩ...

Coi di sản văn hóa là những “nhân chứng lịch sử” để giáo dục học sinh, các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa. Mỗi nhà trường nhận chăm sóc một di tích lịch sử, văn hóa hoặc di tích cách mạng ở địa phương; tuyên truyền và giới thiệu các công trình văn hóa, di tích của địa phương với bạn bè; giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng cho học sinh, sinh viên. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng cho cuộc sống của cộng đồng ở địa phương và khách du lịch; đưa các trò chơi, trò diễn, nghệ thuật trình diễn dân gian và phát triển mạng lưới thư viện trường học. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên... Thông qua việc giáo dục bằng di sản văn hóa trong các cơ sở giáo dục đã góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Gia Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/193178/tao-suc-song-ben-vung-cho-di-san