Tạo sức sống mới cho vỉa hè Hà Nội

Không gian vỉa hè luôn được coi là yếu tố quan trọng tạo nên cảnh quan đô thị, là nơi phản ánh hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị của chính quyền địa phương, đồng thời cũng là 'thước đo' về trình độ văn minh, mức độ phát triển của đô thị…

Do đó, việc ứng xử với vỉa hè ra sao đang là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Tấm gương phản chiếu sức hấp dẫn của đô thị

Hàng ngày, chúng ta sử dụng rất thường xuyên từ ghép “đường - phố” nhưng ít người phân biệt rạch ròi hai khái niệm này. Song, dưới góc độ chuyên môn, đường - phố là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Trong đó, đường là không gian dành cho giao thông với lưu lượng và tốc độ lớn; phố không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là không gian kinh tế, xã hội, là không gian 3 chiều gồm đường, vỉa hè, và công trình hai bên, tạo thành một tổng thể phức tạp hơn nhiều.

Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác trên cả nước, khái niệm đường - phố không được phân định rõ ràng mà được coi là hệ thống không gian phục vụ giao thông.

Trong đó, lòng đường là dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ. Song, nếu “đóng khung” quy định vỉa hè trong đô thị đều phải thoáng hoàn toàn, tuyệt đối không có các hoạt động khác như buôn bán, đỗ xe… thì ở một chừng mực nào đó, vô hình trung đã triệt tiêu các hoạt động đô thị gắn liền với vỉa hè; tạo ra những vỉa hè thiếu sức sống, không đáp ứng nhu cầu phong phú của đô thị, từ đó phát sinh mâu thuẫn không thể giải quyết giữa mục tiêu quản lý và thực tế đô thị.

Phố Lý Thường Kiệt được sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn

Phố Lý Thường Kiệt được sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch SGO Travel cho rằng, tâm lý khách du lịch rất thích dừng chân nơi vỉa hè, bởi ở đó người ta sẽ chứng kiến được cuộc sống, văn hóa địa phương rất sinh động, chân thực. Nói cách khác, vỉa hè còn là nơi góp phần quảng bá các đặc sản, các nét văn hóa của địa phương.

“Ở bất kỳ đâu, vỉa hè cũng có sức hút rất lớn để khách du lịch tiêu thời gian, mà tiêu thời gian là tiêu tiền. Khi du khách có không gian để dừng chân lâu hơn, cảm giác tốt hơn, hưởng thụ không gian văn hóa thì có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Do đó chúng ta nên biến vỉa hè thành không gian văn hóa, chứ không phải chỉ đơn thuần là chỗ để mọi người di chuyển” - ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng, phố và vỉa hè là những không gian công cộng chính yếu của mọi đô thị. Nghĩ về một TP, điều hiện ra trong đầu chúng ta thường sẽ là những con phố. Nếu các con phố hấp dẫn thú vị thì TP cũng hấp dẫn thú vị và ngược lại. Do đó, chúng ta cần hài hòa, phát huy tối đa chức năng, giá trị của vỉa hè… để vỉa hè trở điểm nhấn cho sự phát triển của đô thị.

Cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đô thị nói chung và lòng đường, vỉa hè nói riêng, hiện nay, TP Hà Nội đã và đang tổ chức thí điểm cho thuê vỉa hè.

Song, ở bất cứ hoàn cảnh nào, không gian dành cho người đi bộ phải được đặt lên hàng đầu xong mới đến các không gian khác như: hoạt động kinh tế - dịch vụ - xã hội; các yếu tố cây xanh cảnh quan và bóng mát; các tiện ích như ghế ngồi, thùng rác, cột điện chiếu sáng, điểm chờ xe buýt và yếu tố hạ tầng khác; khu vực đỗ xe đạp, xe máy và cuối cùng là không gian ngầm phía dưới dành cho hạ tầng kỹ thuật.

“Tất cả các yếu tố trên cần được xem xét, cân nhắc và bố trí một cách khéo léo trên một vỉa hè nhằm tối ưu hóa không gian, bảo đảm nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng và tạo ra một môi trường đô thị tiện nghi, đẹp mắt, an toàn và sạch sẽ” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, chúng ta cần ủng hộ “kinh tế vỉa hè” của Hà Nội. Song, để tránh xung đột lợi ích, cần phân cấp cho các phường xác định đối tượng được thuê vỉa hè. “Đây phải là những người thực sự cần nguồn sống từ kinh tế vỉa hè. Việc này làm phải minh bạch, công khai danh tính người thuê để chính người dân giám sát” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Dưới góc độ quy hoạch kiến trúc, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi xem xét các tuyến vỉa hè cho thuê, cần lấy người dân làm nền tảng cơ bản, xem xét làm sao tạo thuận lợi cho người dân từ đi bộ, liên kết giao thông và nhà dân, đặc biệt phải có kiến trúc cảnh quan. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện thể chế, có thể là một văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc chung cho các tuyến phố, không nên chạy theo dư luận. Không phải chỗ nào cũng cấm, nhưng không phải chỗ nào cũng cho phép.

Theo các chuyên gia, gần 10 năm qua, TP Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" thực hiện trên diện rộng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn xử lý vi phạm, khi vắng bóng lực lượng chức năng, hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại đâu vào đấy.

Do đó, việc TP tính toán phương án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh là hết sức cần thiết nhằm phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, khuyến khích người dân trang trí mặt tiền của các dãy phố, tòa nhà… từ đó tạo ra những con phố đẹp, ấn tượng thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… vỉa hè được cho thuê một phần để tổ chức kinh doanh. Trong đó, tại các khu vực được tổ chức cho thuê vỉa hè, các trường hợp kinh doanh phải có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và điều quan trọng nhất là phải dành một phần vỉa hè cho người đi bộ.

Ngoài ra, phí thuê vỉa hè ở các nước rất cao, được tính tùy theo khu vực, khu vực càng đông đúc, có thế mạnh về văn hóa, du lịch… phí càng cao và ngược lại.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-suc-song-moi-cho-via-he-ha-noi.html