Tạo thách thức cho doanh nghiệp nhà nước

Hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp nhà nước với tổng tài sản lên tới 4 triệu tỷ đồng, đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách; chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt chưa thật sự phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Lý do thì có nhiều, nhưng theo phân tích của một chuyên gia thì nguyên nhân bao trùm là do những ràng buộc về cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước đã khiến không thể nhanh nhạy nắm bắt cơ hội như doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là chưa thực sự có các cơ chế khuyến khích tính năng động, sáng tạo của người quản lý. Những nguyên nhân này dẫn đến việc các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa mang lại hiệu quả cao, chưa đủ để tạo ra các tiềm lực để lớn mạnh và không đủ tiềm lực lớn mạnh thì chưa thể có nguồn lực đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ, cũng như tầm quản lý để giữ vai trò dẫn dắt mở đường.

Bởi vậy, để doanh nghiệp nhà nước có thể đảm đương được vai trò như Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước và làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước... thì điều quan trọng là cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Đó là phải rà soát, sửa đổi các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì dựa trên chiến lược tổng thể quốc gia, Nhà nước phải giao nhiệm vụ, đặt mục tiêu cao, tạo thách thức cho doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước có một đội quân thì phải "bày binh bố trận" cho cả đội quân này, phải làm tập trung để tạo ra hiệu quả cộng hưởng. Việc này không thể làm phân tán vì hiện nay doanh nghiệp tự đề xuất chiến lược, kế hoạch mà thường là từ góc nhìn, lợi ích riêng của doanh nghiệp và cũng thường là không thách thức để an toàn. Cũng chính vì mục tiêu không cao, không nhiều thách thức nên doanh nghiệp nhà nước chưa phát triển xứng tầm, ít xuất hiện các lãnh đạo xuất sắc.

Cho nên, cái cần thay đổi là phải giao nhiệm vụ theo chiến lược quốc gia, mục tiêu cao và phải tạo thách thức, tạo ra sự đi đầu của doanh nghiệp nhà nước về phát triển xanh, phát triển số, quản trị và công nghệ, tự cường và hội nhập quốc tế, đặc biệt là về chuyển đổi số - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-da2zbukmd9-82383