Tào Tháo: Chớp thời cơ nên vớ bẫm
Ai đã gán cho Tào Tháo câu 'Hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu' (lợi dụng thiên tử để bắt các chư hầu phục tùng Tháo)? Hóa ra, đó chính là mưu sĩ của Viên Thiệu.
Vậy ai đã gán cho Tháo câu “Hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu” (lợi dụng thiên tử để bắt các chư hầu phục tùng Tháo)? Hóa ra, đó chính là mưu sĩ của Viên Thiệu.
Viên Thiệu chậm chân thế cờ vào tay Tào Tháo
Viên Thiệu có hai mưu sĩ nói câu đó. Một là Thư Thụ, một là Điền Phong. Câu của Thư Thụ là: Lợi dụng thiên tử để bắt các chư hầu phục tùng Tháo, chiêu binh mãi mã để trừng phạt những kẻ không qui thuận (hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu, xúc sĩ mã dĩ thảo bất đình).
Câu của Điền Phong là: Lợi dụng thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, nắm quyền chỉ huy, thu phục bốn biển (hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu, tứ hải khả chỉ huy nhi định). Câu của Điền Phong chép trong Tam quốc chí. Vũ đế kỷ. Bùi Tùng Chi dẫn Hiến đế xuân thu. Câu của Thư Thụ chép trong Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện.
Thư Thụ nói trước. Hãy nói về Thư Thụ.
Thư Thụ vốn là mưu sĩ của Hàn Phức. Khi Viên Thiệu đánh lừa Hàn Phức cướp lấy Ký Châu, thu nhận luôn Thư Thụ làm mưu sĩ. Thư Thụ cũng bằng lòng, vì thực ra Viên Thiệu giỏi hơn Hàn Phức.
Theo Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, sau khi về với Viên Thiệu, Thư Thụ và Viên Thiệu có một cuộc đàm đạo, ý nghĩa cực kỳ hấp dẫn. Thư Thụ nói, tướng quân là bậc anh hùng cái thế, tuổi trẻ tài cao, ít tuổi mà đã làm quan trong triều, tiếng tăm lừng lẫy (nhược quan đăng triều, tắc bá danh tứ hải); Vì đại nghĩa mà dám biểu thị sự bất bình trước hành động ngang ngược của Đổng Trác (trị phế lập chi tế, tắc trung nghĩa phấn phát); Đơn thương độc mã ra khỏi trùng vây, khiến Đổng Trác kinh hoảng (Đơn kỵ xuất bôn, tắc Đổng Trác hoàì bố); Vượt Hoàng Hà đi nhậm chức Bột Hải, dân Bột Hải phủ phục xưng thần (Tế hà nhi bắc, tắc Bột Hải kê thủ).
Dựa vào sức mạnh của quận Bột Hải (chấn nhất quận chi tốt), được sự ủng hộ của cả Ký Châu (toát Ký Châu chi chúng). Quả là oai làm rung động Hà Sóc, danh lừng lẫy thiên hạ (uy chấn Hà Só, danh trọng thiên hạ). Tuy thiên hạ vẫn chưa yên (Hoàng cân hoạt loạn, hắc sơn bạt hộ), nhưng kẻ nào dám ngăn cản tướng quân? Nay tướng quân đem quân sang phía đông, tất bình định Thanh Châu; vòng sang Hắc Sơn, tất Trương Yên bị diệt; tiến lên hướng bắc, tất Công Tôn tiêu vong; Uy hiếp Nhung Địch, tất Hung Nô phục tùng (cử quân đông hướng, tất Thanh Châu khả định; hoàn tháo Hắc Sơn, tắc Trương Yên khả diệt; hồi chúng bắc thủ, tắc Công Tôn tắc sang; chấn hiếp Nhung Địch, tắc Hung Nô tất tòng).
Tướng quân sẽ là anh hùng cứu thế, thiên hạ vì nể. Khi đó, tướng quân sẽ rước nhà vua từ Tràng An về Lạc Dương (nghênh giá vu Tây Kinh), khôi phục tôn miếu xã tắc ở Lạc ấp (phục tôn miếu vu Lạc ấp). Sau đó, kêu gọi thiên hạ đánh kẻ không chịu phục tùng (hiệu lệnh thiên hạ, thảo vị phục). Với ưu thế chính trị như vậy, ai dám tranh hơn với tướng quân? Chẳng mấy chốc đại sự sẽ thành. Viên Thiệu bùi tai, gật gù khen phải. Đáng tiếc là Thiệu chỉ khen mà không hành động.
Thư Thụ còn bàn bạc với Viên Thiệu lần nữa. Lần này cụ thể hơn. Thời gian chỉ trước khi Tào Tháo rước vua về Hứa Huyện không lâu. Theo Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện. Bùi Tùng Chi dẫn Hiến đế truyện, Thư Thụ nói, từ khi Đổng Trác làm càn, thiên tử lưu ly thất sở, tôn miếu đổ nát, các lộ chư hầu dấy binh chỉ trên danh nghĩa, thực tế tàn sát lẫn nhau (ngoại thác nghĩa binh, nội đồ tương diệt), không ai nghĩ đến vua, lo cho dân (vị hữu tồn chủ tuất dân giả).
Lúc này, tướng quân đã bình định xong châu vực, nên rước vua về định đô tai Nghiệp Thành, hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu, xúc sĩ mã dĩ thảo bất đình (lợi dụng thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, cất quân đi thảo phạt kẻ không chịu hàng phục). Thử hỏi kẻ nào dám chống lại tướng quân?
Bàn vậy Viên Thiệu cũng lọt tai. Nhưng rất nhiều người không tán thành. Hiến đế truyện nói người không tán thành là Quách Đồ. Nhưng Tam quốc chí thì lại nói Quách Đồ tán thành chủ trương định đô ở Nghiệp Thành (nghênh thiên tử đô Nghiệp).
Đẩy đối thủ vào thế bị động
Dù Quách Đồ tán thành hay không thì vẫn có một sự thực là, tất cả đều cho rằng nhà Hán đã đến hồi mạt vận mà vẫn cố vực dậy thì đúng là ôm rơm nặng bụng. Lúc này mọi người đều đang dòm ngó Trung nguyên, người nào phải ra tay trước? Họ nghĩ: Nếu như rước hoàng đế về với mình, ngày ngày bẩm báo xin thánh chỉ thì quả thật phiền hà. Theo lệnh vua thì mình chẳng có quyền hành gì (tòng chi tắc quyền khinh); không theo thì mắc tội phản nghịch (vi chi tắc cự mệnh), khó nghĩ quá! Còn Viên Thiệu thì hễ nghĩ tới Hiến đế là do Đổng Trác lập (Thiên tử chi lập phi Thiệu ý) đã ớn tận cổ, ý tưởng phò Hán cũng tiêu tan.
Thời cơ không đợi ai. Trong khi đám Viên Thiệu trù trừ chưa quyết thì Tào Tháo đã rước vua về Hứa Huyện. Tào Tháo không những không mất gì, không bị ai khống chế, trái lại, được rất nhiều lợi lộc. Ông ta được một vùng rộng mênh mông phía nam sông Hoàng, được dân chúng Quan Trung ủng hộ (thu Hà Nam địa, Quan trung giai phò). Quan trọng hơn, ông ta còn kiếm được một cái vốn chính trị cực lớn, không những trở thành anh hùng vực dậy nhà Hán, về địa vị thì “dưới một người, trên muôn người”, có quyền lên án những người chống đối là bất trung bất nghĩa.
Từ nay trở đi, Tháo bổ nhiệm quan lại, mở rộng địa bàn, thảo phạt những kẻ chống đối, đả kích kẻ thù chính trị, đều nhân danh hoàng đế nhà Hán, dù có bất nghĩa cũng thành chính nghĩa. Các đối thủ của Tháo đều rơi vào thế bị động, rất nguy hiểm nếu phản đối Tào Tháo, vì như vậy là chống lại vua. Tỉ như Viên Thiệu sau đó muốn đánh Tào Tháo, liền bị Thư Thụ, Thôi Diễm can ngăn với lí do: “Thiên tử đang ở Hứa đô”, đánh vào đó là phi nghĩa. Gia Cát Lượng cũng nói Tào Tháo là “lấy danh nghĩa thiên tử để sai khiến chư hầu, vì vậy không thể đánh nhau với Tháo”. Tháo ra tay trước, vớ bẫm.
Viên Thiệu cực kỳ bất lợi. Theo Hậu Hán thư. Viên Thiệu truyện, vừa rước vua về Hứa Huyện, Tào Tháo đã lấy danh nghĩa thiên tử gửi chiếu thư cho Viên Thiệu, trách Thiệu “đất rộng người đông mà chỉ chăm chăm gây dựng thế lực cho bản thân (địa quảng binh đa, nhi chuyên tự thụ đảng), không đem quân cần vương, chỉ liên tục công kích kẻ khác. Viên Thiệu tiếp chiếu thư tức run, nhưng vẫn phải nhẫn nhịn dâng thư giải thích mọi lẽ.
Hối hận vì không nghe lời Thư Thụ, Viên Thiệu cố vớt vát. Ông ta lấy cớ Hứa Huyện ẩm thấp, Lạc Dương thì đổ nát, đề nghị dời đô về Quyên Thành (nay là huyện Quyên Thành tỉnh Sơn Đông), mưu toan cùng Tháo hưởng lợi lộc từ con át chủ bài Hiến đế. Tào Tháo biết tỏng gan ruột Thiệu, cự tuyệt thẳng thừng. Lúc này, mưu sĩ Điền Phong khuyên Thiệu nên gấp rút đánh Hứa đô (đồ đô chi kế ký bất khắc tòng, nghi tảo đồ Hứa, phụng nghên thiên tử) nhưng Thiệu không nghe.
Thực ra Tào Tháo hơn hẳn Viên Thiệu một cái đầu. Hơn về phẩm chất, về cách thức. Nên hiểu rằng lời bàn của Thư Thụ kém xa lời bàn của Mao Giới. Thư Thụ đề nghị “lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu” (hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu). Mao Giới đề nghị “bảo vệ thiên tử, trừng phạt kẻ không phục tùng chính quyền trung ương” (phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần).
Về đạo lý, phụng là “bảo vệ”,”duy trì”; hiệp là “ép”, “lợi dụng”. Phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần là muốn đất nước thống nhất; hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu là mưu đồ lợi lộc cho bản thân. Một đằng quang minh chính đại; một đằng quanh co lắt léo. Hai chủ trương khác nhau một trời một vực. Mao Giới nói đúng: binh nghĩa giả thắng (dấy binh vì nghĩa thì thắng).
Dùng hoàng đế làm át chủ bài
Giả dụ Tào Tháo không có ý bảo vệ vua, bảo vệ đất nước thống nhất, chỉ coi Hiến đế như chiêu bài, thì về mưu lược cũng hơn hẳn Viên Thiệu. Vì rằng, hoàng đế không những là một con bài, mà là con át chủ. Con át chủ này tinh vi ở chỗ vừa hư vừa thực. Nói “hư” (hữu danh vô thực) vì lúc này hoàng đế không một chút thực quyền, ngay cả tự do cá nhân cũng không có, số phận mặc thiên hạ định đoạt như một con rối.
Nói “thực”, vì rằng hầu như ai cũng biết hoàng đế chỉ là hư danh, nhưng không một ai dám nói hoàng đế chỉ là con rối, nên phế bỏ. Mỗi chỉ dụ, mỗi mệnh lệnh ban xuống, mọi người đều làm ra vẻ chấp hành (thực tế cũng có những người không chấp hành), nhưng không một ai dám công khai phản đối. Chẳng khác chuyện đồng thoại “ông vua cởi truồng”. Chính vì vậy mà các thế lực đối địch đều rêu rao được vua ủy quyền hoặc “mật chiếu”. Trong Triều thì ép vua xuống chiếu, ngoài triều thì rêu rao có “mật chiếu” của vua. Có vậy thì mới danh chính ngôn thuận, mới có chính nghĩa. Vì vậy, hoàng đế là một con bài có thể lợi dụng, hơn nữa là con át chủ.
Còn như rước vua về bên cạnh, việc gì cũng phải bẩm báo, chẳng thà ở riêng, muốn làm gì thì làm. Đó là ý nghĩ của các đại vương thiếu đầu óc chính trị. Nhưng nếu vua là con rối thì càng gần càng kiếm chác được nhiều chứ sao! Thỉnh thị báo cáo, giập đầu vái lạy là cần, nhưng chỉ cần nghĩ sâu hơn một chút, những cử chỉ đó chẳng qua như một màn kịch.
Nhà vua khi đó mới 16 tuổi, còn trẻ con, biết gì. Lúc đầu trong tay Đổng Trác, sau trong tay bọn Vương Doãn, chưa bao giờ trực tiếp nắm quyền. Bọn Lý Giác, Quách Tự thanh toán lẫn nhau, vua đứng ra giảng hòa nhưng chúng không thèm nghe. Làm cán bộ hòa giải không xong, nói gì đến lệnh này lệnh nọ? Giả sử về chỗ Viên Thiệu, làm gì có cái uy của một vị hoàng đế mà bắt khoan bắt nhặt Viên Thiệu?
Chính trường cũng như thương trường, phải nắm bắt thời cơ, át chủ bài cũng chỉ có một, anh không nắm thì người khác nắm. Vậy Thư Thụ mới nói: Thời bất khả thất, công tại tốc tiệp, nhược bất tảo đồ tất hữu tiên nhân giả dã (thời cơ không được để lỡ, phải nhanh nhạy thì mứi thành công, nếu không tính sớm, sẽ có người ra tay trước). Đáng tiếc là Viên Thiệu không nghe.
Qua đó ta thấy, có 2 thuyết về “phụng thiên tử”. Một thuyết của Mao Giới như trên đã nói: Phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần. Một thuyết của Thư Thụ, phụng thiên tử nhi lệnh chư hầu. Tào Tháo thực thi thuyết của Mao Giới.