Tạo thêm nhiều cơ hội học nghề cho học sinh sau tốt nghiệp phổ thông

Từ các mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), định hướng về phát triển nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội hiện đại, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn tới công tác dạy nghề nói chung, các cơ sở GDNN nói riêng. Với sự thay đổi nhanh về tư duy, các cơ sở GDNN cũng đã có những động thái tích cực tự làm mới mình. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ học sinh sau tốt nghiệp phổ thông ngày càng có nhiều cơ hội chọn lựa ngành nghề để học, công việc để làm.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề của Trường Cao đẳng nghề Hà Nam ngày càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt công tác đào tạo nghề.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề của Trường Cao đẳng nghề Hà Nam ngày càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt công tác đào tạo nghề.

Cơ hội đến từ chính sách

Nắm bắt được yêu cầu của kinh tế thị trường và đòi hỏi của thị trường lao động, những năm gần đây, tỉnh ta có sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Theo đó, sau khi Chỉ thị số 37- CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được ban hành, các cấp, ngành đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện, gắn mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm định hướng và xác định mục tiêu cụ thể cho công tác phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ công tác dạy nghề. Trên thực tế, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách dành cho công tác dạy nghề thì việc lựa chọn trường nghề để học mang tới cho người học khá nhiều thuận lợi. Đơn cử với hệ cao đẳng nghề, tiêu chí tuyển sinh của các cơ sở GDNN tương đối thoáng khi học sinh chỉ cần được công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được xét tuyển chứ không cần phải thi tuyển. Không phân biệt cao đẳng nghề hay cao đẳng chuyên nghiệp, mọi sinh viên thuộc hệ này đều có thể học liên thông đại học chính quy nếu có nhu cầu.

Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho biết: Trong khi các nhà tuyển dụng hiện nay không còn quá chú trọng tới bằng cấp, mà quan tâm nhiều hơn tới năng lực làm việc thì việc thường xuyên được thực hành, thực tập chính là lợi thế hơn hẳn của học sinh trường nghề trong tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, năng động của thị trường lao động biết trọng dụng yếu tố lao động có tay nghề vững vàng, đào tạo bài bản sẽ giúp các cơ sở GDNN có thêm cơ hội phát triển.

Trên địa bàn tỉnh, hệ thống các cơ sở GDNN đã được kiện toàn ổn định về tổ chức bộ máy, phát triển và mở rộng mạng lưới theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua thời gian, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song hệ thống các cơ sở GDNN của tỉnh nỗ lực duy trì hoạt động; một số đơn vị hoạt động tương đối hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh, ngoài các cơ sở GDNN thực hiện việc đào tạo nghề ở các hệ cao đẳng, trung cấp, còn có một trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh, 5 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị xã. Đây được xem là cơ hội cho người học nói chung, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT và THCS nói riêng thêm nhiều lựa chọn học nghề.

Xu hướng đa dạng nghề

Không chỉ giảng đường đại học, học nghề cũng là sự lựa chọn với nhiều học sinh sau tốt nghiệp phổ thông bởi suy nghĩ: học gì cũng để đi làm và có thu nhập.

Là một đơn vị GDNN có những hướng đi tích cực, đến nay Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cơ bản đã hoàn thành các quy hoạch, dự án phát triển, là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy, cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao. Hiện nhà trường đang đào tạo đa ngành, đa nghề với 6 chương trình đào tạo cao đẳng, 9 chương trình đào tạo trung cấp, 12 chương trình đào tạo sơ cấp và thường xuyên với quy mô trên 4.000 người/năm. Trong đó, tập trung vào các nghề trọng điểm, như: Điện công nghiệp (cấp độ quốc tế), công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí/hàn (cấp độ quốc gia), công nghệ thông tin, quản trị mạng máy tính, kế toán, lái xe ô tô,… Đáp ứng yêu cầu người học, ngoài việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển nhà trường, xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đơn vị còn tập trung đào tạo nghề theo định hướng tăng cường thực tập chuyên môn, ưu tiên thực hành phục vụ cho việc nghiên cứu và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai.

Các chương trình đào tạo của trường được xây dựng chú trọng vào “Thực học - thực hành - thực danh - thực nghiệp”, với tỷ lệ thực hành lên đến 70% chương trình học. Nhằm tạo điều kiện việc làm tốt nhất cho học viên sau tốt nghiệp, nhà trường đã thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bảo đảm thuận lợi cho việc thực tập của học viên trong thời gian học tại trường và là địa chỉ làm việc sau khi ra trường. Qua đó, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT và THCS đăng ký xét tuyển vào học tại trường ngày càng cao; học viên sau tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập cao… Đó cũng là một minh chứng thay vì học đại học, học nghề là lối đi không mới nhưng hiệu quả với nhiều người.

Trong điều kiện phải đối mặt với sự cạnh tranh về đào tạo nghề tương đối mạnh của chính các cơ sở GDNN với nhau, nên cùng với việc tranh thủ những ưu tiên, quan tâm của Nhà nước và địa phương theo từng giai đoạn, cho từng ngành nghề đào tạo, các cơ sở GDNN đều xác định phải làm tốt việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và mở rộng hợp tác để tự tạo cho mình cơ hội phát triển. Theo đó, các nhà trường đã có sự phối hợp thực hiện tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp cho học sinh THCS và THPT; tăng cường thông tin về các chính sách miễn học phí, chính sách học liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học, chính sách việc làm sau tốt nghiệp; nắm bắt nhanh nhu cầu lao động của thị trường và thực hiện khá hiệu quả việc đào tạo nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Việc tổ chức đào tạo cũng được nhiều cơ sở GDNN áp dụng theo phương thức đào tạo mới (đào tạo theo mô đun, tín chỉ), bảo đảm liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác, hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; tăng cường đào tạo thực hành theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp với thời lượng thực hành ở chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm từ 50%-75% chương trình đào tạo của nghề. Học viên các hệ đào tạo sau khi tốt nghiệp được quyền lựa chọn doanh nghiệp với công việc và nhu cầu phù hợp nghề đào tạo, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Nhiều ngành nghề, như: kỹ thuật ô tô, mộc dân dụng, hàn… tỷ lệ học viên của các cơ sở GDNN tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt tới 100%, thu nhập ổn định. Các cơ sở GDNN đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm mục tiêu mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng hiện đại, thu hút đông học sinh và người học có nhu cầu theo học.

Theo thống kê của các cơ sở GDNN, tỷ lệ học viên của các trường nghề có việc làm sau tốt nghiệp rất cao, có thu nhập tốt ở nhiều ngành, nghề; nhiều học viên có năng lực làm nghề được các nhà tuyển dụng tiếp nhận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường... Đây thực sự là những cơ hội tốt cho các cơ sở GDNN có thêm điều kiện phát triển, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động qua đào tạo có chứng chỉ. Và, rõ ràng hiện nay đã có không ít học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông lựa chọn cho mình con đường học nghề để phát triển tương lai, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình, vừa theo kịp với nhu cầu lao động, việc làm của thực tiễn.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tao-them-nhieu-co-hoi-hoc-nghe-cho-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-pho-thong-131358.html