Tạo thêm vòng đời cho đồ cũ

Những hội, nhóm, cá nhân thu gom đồ cũ với mục đích thiện nguyện xuất hiện ngày càng nhiều. Bằng nhiều cách thức hoạt động khác nhau, những người trẻ này đã và đang đóng góp hiệu quả, thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Quần áo cũ được xếp gọn gàng trong bao tải, sách giáo khoa, cuốn tập cũ được đóng gói ngay ngắn, sẵn sàng san sẻ yêu thương. Qua các trang mạng xã hội, lời kêu gọi được truyền từ người sang người để những món đồ cũ không bị vứt đi trong lãng phí mà sẽ được bắt đầu vòng đời mới trong tay của người cần chúng. Đó là cách mà những người trẻ thực hiện sẻ chia, đùm bọc với những mảnh đời còn khó khăn hơn mình.

Ấm áp đến từ "vũ trụ"

“Hạ cánh” vào tháng 8/2022, nhóm từ thiện “Phi Hành Gia” được thành lập bởi các bạn sinh viên năm thứ tư, ngành Tâm lý học, trường ĐH Công nghệ TP. HCM. Cả nhóm chỉ vẻn vẹn 6 thành viên, gồm: Trần Yến Ngọc, Lê Thanh Phong, Trương Chấn Huy, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc và Lê Thị Phương (trưởng nhóm). Hoạt động chủ yếu của nhóm là thu gom quần áo, sách vở cũ qua các trang mạng xã hội để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ các em nhỏ mồ côi không có điều kiện học tập, hoàn cảnh éo le tại các mái ấm, chùa, nhà tình thương,...

Thứ Bảy, ngày 3/12 vừa qua, nhóm Phi Hành Gia đã tổ chức hoạt động thiện nguyện “Trao yêu thương - dẫn bước tương lai” cho các em nhỏ ở chùa Diệu Giác. Nhóm đã trao tặng 150 quyển tập, 110 bộ thước và viết, 200 quyển truyện thiếu nhi, 30 bộ sách giáo khoa. Trần Yến Ngọc xúc động: “Tụi mình cảm thấy vui khi bản thân có thể đóng góp một phần trong hành trình phát triển của các bạn nhỏ”.

Các thành viên nhóm "Phi Hành Gia" với nhiều hoạt động thiện nguyện.

Các thành viên nhóm "Phi Hành Gia" với nhiều hoạt động thiện nguyện.

Trước đó, thời gian đầu, nhóm “Phi Hành Gia” cũng gặp khá nhiều khó khăn. “Chúng mình không có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và thu gom quần áo, sách vở cũ. Hơn nữa, nhóm mới thành lập, đứng ra kêu gọi sẽ có người không tin tưởng. Tuy nhiên, khi nghĩ về những điều mà mình có thể đem đến cho những em nhỏ kém may mắn thì chúng mình cố gắng vượt qua”, Lê Thị Phương (trưởng nhóm) chia sẻ. Thời gian tới, nhóm “Phi Hành Gia” sẽ tổ chức một chương trình khác với nội dung mang Tết đến cho các em nhỏ ở các mái ấm tình thương.

Nhóm "Phi Hành Gia" thu gom đồ cũ trong một chương trình thiện nguyện.

Nhóm "Phi Hành Gia" thu gom đồ cũ trong một chương trình thiện nguyện.

“Mình chỉ muốn cho đi, vậy thôi!”

Xem việc thiện nguyện là niềm vui, suốt 2 năm qua, shop đồ thanh lý ký gửi của Phạm Thị Kim Phương (cựu sinh viên trường CĐ Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng) đã trở thành địa điểm nhận đồ miễn phí của nhiều mẹ và bé.

Ban đầu, Phương chỉ tặng quần áo cũ của con. Về sau, khi mở cửa hàng ký gửi quần áo trẻ em, đồ bị tồn nhiều, chị gom lại, phân loại kích cỡ, đóng thùng rồi đăng lên Facebook và TikTok cho mọi người đến lấy. Phương cũng không giới hạn ngày mang tặng: “Mọi người cứ nhắn tin là mình đóng quần áo gửi đi thôi!”. Ngoài quần áo, Phương còn tặng sữa và đồ ăn cho các mẹ hoặc trẻ em mồ côi.

Phạm Thị Kim Phương và cửa hàng đồ tặng của mình.

Phạm Thị Kim Phương và cửa hàng đồ tặng của mình.

Với Phương, làm từ thiện là ước mơ, là cho đi mà không cần nhận lại. Phương bộc bạch: “Mình chỉ muốn cho đi, vậy thôi! Bên mình, người đến xin, không phải chỉ có người nghèo. Có cả nhân viên văn phòng, giáo viên, học sinh, sinh viên. Ai cũng có đoạn khó khăn trong đời phải đi qua, rất vui mình có thể giúp được họ”.

Song, để duy trì hoạt động thiện nguyện này được đều đặn, Phương cũng gặp phải không ít khó khăn, ý kiến trái chiều và nhiều chuyện không vui. Dẫu vậy, Phương chỉ xem đó như bài cần phải học để bản thân có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. “Mình chẳng nghĩ đến việc kết thúc! Mình chỉ muốn làm thôi. Nếu kinh tế khá hơn, mình sẽ làm thêm nhiều hoạt động từ thiện nữa”.

“Thiếu đến nhận, thừa đóng góp”

Xuất phát từ cái tâm hướng thiện, suốt 4 năm qua, Nguyễn Quốc Việt (sinh năm 1994, Hưng Yên, hiện đang là thợ cắt tóc ở Điện Biên) vì thương nhiều người còn mang phận éo le hơn mình nên đã luôn tìm cách giúp đỡ. Từ cắt tóc miễn phí cho người khó, dạy nghề "0 đồng" cho học viên có hoàn cảnh khó khăn, đến xin đồ cũ cho người nghèo. Đối với Việt, tặng ai đó một bộ quần áo, giúp đỡ ai đó lúc khó khăn khiến anh cảm thấy cuộc sống này thêm phần ý nghĩa. “Khi mình giúp một người, người ta vui thì mình cũng thấy vui lây. Chỉ một người nhận mà có tới hai người hạnh phúc”.

Nguyễn Quốc Việt bên tủ đồ trao tặng đồ của mình.

Nguyễn Quốc Việt bên tủ đồ trao tặng đồ của mình.

Chiếc tủ quần áo từ thiện với dòng chữ “Thiếu đến nhận, thừa đóng góp” được đặt tại tiệm cắt tóc của Việt ngay từ những ngày đầu mới lập nghiệp vào năm 2016. Những ngày đầu, quần áo lấp đầy trong tủ hầu như là đồ cũ của Việt. Lâu dần, nhờ hoạt động trên kênh TikTok của mình, anh nhận được nhiều sự đồng cảm và chung tay từ cộng đồng. Bất kể trời nắng hay mưa, tủ quần áo của Việt cũng không bao giờ “nghỉ”. Cứ lúc nào có người cần, anh lại mở tủ mang đồ ra tặng.

Mạng xã hội giúp Việt mở rộng tủ quần áo từ thiện của mình nhưng cũng khiến anh nhận lại nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng, với tâm thế “Cây ngay không sợ chết đứng”, Việt thẳng thắn: “Tâm mình thiện thì mình sợ gì ai dị nghị!”. Ngoài tủ quần áo từ thiện, Việt còn bỏ tiền túi để mở thùng quyên góp. Số tiền này sẽ được anh làm các hoạt động thiện nguyện khác như: Tặng xôi cho bệnh nhân ở bệnh viện, tặng sách vở, bánh kẹo cho các em nhỏ khó khăn.

An Thanh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tao-them-vong-doi-cho-do-cu-post1495400.tpo