Tạo thu nhập cho lao động địa phương từ vốn vay giải quyết việc làm
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bến Lức, tỉnh Long An, anh Đặng Trường Sơn (SN 1984, ngụ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với nghề may túi xách gia công.
Trước đây, vợ chồng anh Sơn mở một cửa hàng may yên xe Honda, rửa xe Honda ở khu vực gần cầu An Thạnh. Cách đây gần 10 năm, anh Sơn học được nghề may túi xách gia công từ gia đình chị vợ. Vậy là, anh Sơn cùng vợ quyết tâm theo đuổi nghề may túi xách gia công từ những đồng vốn do vợ chồng anh tích cóp được.
Là người kỹ tính, có trách nhiệm nên công việc ngày càng hiệu quả, quy mô mở rộng, anh mua thêm máy may để có thể “chạy” việc, đáp ứng nhu cầu từ đối tác. May mắn, anh được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện Bến Lức với số tiền 50 triệu đồng. Từ số tiền này, anh Sơn mua thêm máy may, tuyển thêm lao động để may.
Nghề may gia công không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tuần là có thể may được.
Theo anh Sơn, may túi xách tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Nếu không khéo tay, dễ làm hàng hỏng, không đạt chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Kim Thảo (ấp 1B, xã An Thạnh) là thợ may túi xách tại cơ sở của anh Sơn khoảng 4 năm nay. Chị Thảo cho biết, chị có một công việc khác cũng liên quan đến nghề may tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức nhưng làm theo ca.
Những lúc không đi làm ca, chị đến nhà anh Sơn làm thêm, mỗi ngày từ 3-4 giờ. Thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/tháng. Từ ngày tham gia may gia công tại cơ sở của anh Sơn, chị Thảo có thêm thu nhập để trang trải kinh tế gia đình, nuôi con đến trường.
Chị Lê Thị Thùy Trang (ấp 5, xã An Thạnh) vừa tham gia may túi xách tại nhà anh Sơn cách nay vài tuần. Trước đây, chị Trang là công nhân của một doanh nghiệp nhỏ nhưng vừa nghỉ để đến cơ sở của anh Sơn may túi xách. Chị Trang hiện có con nhỏ, cần có thời gian chăm sóc, đưa rước đi học, làm việc tại doanh nghiệp, thời gian cố định nên chị khó sắp xếp.
Theo chị Trang, làm tại cơ sở của anh Sơn không cố định về thời gian, buổi sáng, chị có thể làm việc nhà, nấu cơm, đưa con đến trường rồi đi may. Buổi chiều, chị có thể sắp xếp giờ để đón con về nhà rồi tiếp tục công việc may.
Theo anh Sơn, mỗi ngày, cơ sở may có thể hoàn thiện từ 2.000-3.000 túi xách, tùy theo nhu cầu của đối tác. Một sản phẩm hoàn thiện trải qua nhiều công đoạn. Vợ chồng anh không trực tiếp may mà chỉ cắt vải, cắt nguyên liệu, kiểm hàng,...
Do công việc không ràng buộc về thời gian trong ngày nên nhiều chị em đến cơ sở may, cũng có nhiều người mang hàng về nhà may. May ở nhà hay may tại cơ sở thì tiền công cũng không khác nên có thể vừa làm, vừa chăm sóc gia đình.
Anh Sơn cho biết: Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, hàng tháng, anh trả tiền lãi, tiền vốn và tiền tiết kiệm chưa đến 3 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản vay ngân hàng và các chi phí khác, hàng tháng, gia đình anh có thu nhập vài chục triệu đồng. Số tiền này, anh dành trang trải kinh tế gia đình, tích lũy. “Hết kỳ vay đợt này, nếu thuận tiện, tôi tiếp tục vay vốn từ NHCSXH để đầu tư mua thêm máy may, các trang thiết bị khác, mở rộng sản xuất nếu lượng hàng từ đối tác ổn, từ đó góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn xã” - anh Sơn nói.
Hiện cơ sở may gia công do anh Sơn làm chủ có 7 máy may đặt tại nhà, tạo việc làm tại chỗ cho 7 lao động và khoảng 20 người mang nguyên liệu về nhà may. Bình quân thu nhập của người may từ 5-8 triệu đồng/tháng (tùy đơn hàng do đối tác chỉ định).
Theo bà Võ Thị Ngoan - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 1B, xã An Thạnh (anh Sơn là thành viên vay vốn), cơ sở may gia công của anh Sơn thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã đứng ra hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cơ sở may gia công tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, tổ sẽ tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục tiếp cận nguồn vốn chính sách, mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương./.
Tin hoạt động
- Nhiệm kỳ 2019-2024, UBMTTQ Việt Nam huyện Bến Lức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBMTTQ Việt Nam huyện chủ trì phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo.
Kết quả, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức thành viên trong huyện vận động hơn 6,4 tỉ đồng, tổ chức xây dựng, sửa chữa 157 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, hộ nghèo (đạt 106,2% chỉ tiêu nghị quyết). Những căn nhà hoàn thiện tạo động lực cho các gia đình còn khó khăn phấn đấu hơn trong cuộc sống.
- Qua rà soát hộ nghèo năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện Bến Lức giảm còn 200 hộ, chiếm 0,37% và 445 hộ cận nghèo, chiếm 0,83%. Toàn huyện có 4 xã không còn hộ nghèo là Thanh Phú, Mỹ Yên, Thạnh Đức, Long Hiệp.
Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện nỗ lực, chung tay, góp sức với nhiều hình thức, cách làm, mô hình phù hợp. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo; tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động tạo thu nhập cho lao động có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt; tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục; dạy nghề cho lao động nông thôn.
Đối với các hộ nghèo, huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể huyện, xã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
- Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023.
Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỉ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được tính lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo.
Với chính sách tín dụng này, tại huyện Bến Lức có 4 trường hợp được giải ngân vốn với tổng số tiền 220 triệu đồng. Chính sách tín dụng này kỳ vọng người mới chấp hành xong án phạt tù phấn đấu làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn.