Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Những nỗ lực cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… đã giúp TP. Hải Phòng thu hút đầu tư khởi sắc, tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài.

Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp của TP. Hải Phòng làm việc rất chuyên nghiệp, văn minh. Ảnh: Thanh Sơn

Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp của TP. Hải Phòng làm việc rất chuyên nghiệp, văn minh. Ảnh: Thanh Sơn

Đối thoại là giải pháp để thu hút đầu tư

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, với chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hải Phòng năm 2019 là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bằng những giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo.

Việc tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng giữa chính quyền Thành phố với các doanh nghiệp là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hướng dẫn, giải đáp cơ chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo sự thân thiện và hài lòng của các doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đã tham mưu để UBND Thành phố tổ chức 8 kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp cấp thành phố. Tại các hội nghị này, đã có 19/28 kiến nghị được giải quyết triệt để (67,86%); 9/28 kiến nghị đang được giải quyết. Đây là kênh thông tin rất quan trọng để lãnh đạo Thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, kịp thời nắm bắt tâm tư, giải quyết các vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

Các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, đất đai, cấp giấy phép kinh doanh, xây dựng đường giao thông... đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố giải quyết, tháo gỡ, được doanh nghiệp ghi nhận.

Có thể nói, việc tạo điều kiện, giải quyết các vướng mắc thông qua các cuộc tọa đàm, đối thoại đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng ước đạt 16,5% (kế hoạch tăng 15,5% trở lên), cao nhất từ trước đến nay, đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Thành phố. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XV đã đề ra, quy mô GRDP (theo giá so sánh) đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 170.000 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng 16,5% của năm 2019, ước tính đến cuối năm 2019, quy mô GRDP (theo giá so sánh) của Thành phố đã đạt 179.846 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020, hoàn thành mục tiêu Đại hội trước 1 năm.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức đa dạng đã góp phần quan trọng vào kết quả khởi sắc trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng trong năm 2019. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đã tiếp và làm việc với 15 đoàn nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư - thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2019.

Đồng thời, Sở đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hoạt động của Tổ Công tác Nhật Bản, Hàn Quốc và các hoạt động quản lý dự án FDI đã được cấp phép, đang hoạt động.

Ông Trần Việt Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, với định hướng phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thu hút các nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia. Đồng thời, chú trọng các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới...

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung nắm bắt cơ hội thu hút dòng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ; chủ động đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

“Đối với doanh nghiệp, thì thời gian chính là chi phí; cắt giảm được thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp cũng đồng thời là cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.

Với nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường của Hải Phòng, trong năm 2019, trên địa bàn Thành phố đã có 2.893 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 21.811,1 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,62 tỷ đồng, tăng 4,72% so với năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.367 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cũng đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 17.406 hồ sơ. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đã đảm bảo thực hiện trực tuyến mức độ 4; thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là 1,78 ngày làm việc; thời gian trung bình đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 1,39 ngày làm việc, rút ngắn hơn nhiều so với quy định. Ngoài ra, Sở đã thực hiện 1.774 lượt rà soát và yêu cầu giải trình đối với doanh nghiệp, thu hồi 862 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính của Sở đã hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ cải cách hành chính của Thành phố và của cơ quan. Các thủ tục hành chính rà soát, điều chỉnh kịp thời niêm yết đầy đủ để phục vụ tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2019, Sở đã phối hợp các ngành, đơn vị liên quan dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong đăng ký, quản lý doanh nghiệp sau đăng ký và hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Trần Việt Tuấn nhấn mạnh: “Việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân, doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không bị chậm, rút ngắn thời gian đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức, công dân, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Sở sẽ tiếp tục thực hiện xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng công nghệ cao, khuyến khích áp dụng hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng của TP. Hải Phòng”.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng năm 2020

Triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả cao các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định trong Nghị Quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tham mưu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quản lý đầu tư công để nâng cao hiệu quả, phát huy nguồn vốn đầu tư.

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Hội đồng Thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của Thành phố.

Tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hải Phòng.

Tham mưu đẩy mạnh huy động vốn đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; các cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt chú trọng các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-d115326.html