Tạo tiền đề đưa du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2024, ngành du lịch Phú Yên có bước 'nhảy vọt' cả về số lượng khách và doanh thu, hoàn thành kế hoạch đề ra trước 3 tháng, tạo tiền đề để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn năm 2030.

Hải đăng Đại Lãnh thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hải đăng Đại Lãnh thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Từ khi Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, du lịch nơi đây đã từng bước khởi sắc.

Năm 2024, ngành du lịch có bước “nhảy vọt” cả về số lượng khách và doanh thu, hoàn thành kế hoạch đề ra trước 3 tháng, tạo tiền đề để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Định hướng để phát triển du lịch

Vùng đất "hoa vàng trên cỏ xanh" với danh thắng Quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt Tháp Nhạn, danh thắng Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài... là những điểm đến hấp dẫn du khách.

Sự hấp dẫn của điểm đến Phú Yên đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự các sự kiện được tổ chức.

Trong số đó, nổi bật là Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài lần thứ 65 năm 2024 với chủ đề “Dấu chân Mặt trời” tổ chức tại Phú Yên đạt kỷ lục về số lượng vận động viên đăng ký là gần 12.000 người.

 Du khách tham quan mũi Điện (mũi Đại Lãnh) thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Du khách tham quan mũi Điện (mũi Đại Lãnh) thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chuỗi các sự kiện Tiền Phong Marathon; Lễ thượng cờ Tổ quốc tại Bãi Môn- Mũi Điện diễn ra đầy cảm xúc đã truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, ý chí mạnh mẽ về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng… hay Tuần Văn hóa-Du lịch Phú Yên với chủ đề: “Về miền di sản Phú Yên” đã trở thành một sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.

Năm 2024, du lịch Phú Yên tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế có nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Tổng lượng khách du lịch đạt khoảng 4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 35.000 lượt; tổng thu ước đạt 8.000 tỷ đồng.Chương trình hành động số 09-Ctr/TU đã tạo được đồng thuận và được xem là “bánh lái” để phát triển du lịch nơi đây.

Phú Yên cũng là một “mắt xích” quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Rộng hơn, ngành du lịch ở Phú Yên còn tạo động lực để các làng nghề được khôi phục và phát triển trở thành điểm đến phục vụ du khách.

Để du lịch phát triển đúng định hướng và có trọng tâm, nhiều đồ án liên quan đã được ban hành. Trong đó có: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 làm cơ sở thu hút các dự án du lịch và dịch vụ vào khu vực Đèo Cả-Vũng Rô.

Đề án công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO; đề cương nhiệm vụ quy hoạch các điểm di tích như kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.

Ngoài ra, còn có đề án thí điểm thể thao giải trí trên biển và quy chế quản lý sử dụng bãi biển cũng được ban hành, làm cơ sở phát triển du lịch biển.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch (tháng 10/2024), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Do vậy, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện, huy động tối đa nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để phát triển ngành du lịch bền vững, hiệu quả.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện” và phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Đa dạng các sản phẩm

Là người thích du lịch để khám phá cảnh sắc quê hương, anh Trần Anh Tú và nhóm bạn 4 người đã nhiều lần đến Phú Yên.

Lần này, theo lịch trình ngày đầu tiên của năm 2025, họ đến với danh thắng Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh để đón ánh nắng bình minh đầu tiên tại điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc. Đồng thời hòa mình vào không khí linh thiêng của Lễ chào cờ đầu năm mới, cùng hát Quốc ca, ngắm nhìn biển trời bao la.

 Tháp Nghinh Phong ở thành phố Tuy Hòa rực rỡ về đêm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tháp Nghinh Phong ở thành phố Tuy Hòa rực rỡ về đêm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Anh Trần Anh Tú rất thích khung cảnh ở Phú Yên - thanh bình, thơ mộng, "đất phú, trời yên." Vùng đất này rất hợp với nghỉ dưỡng, mỗi thời điểm trong năm lại có những vẻ đẹp khác nhau.

Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Phú Yên đang tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm thế mạnh như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; tham quan biển, đảo; du lịch văn hóa-lịch sử, tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch cộng đồng và gần đây là du lịch nông nghiệp nông thôn, văn hóa ẩm thực.

Năm 2025 được dự báo có thể “bùng nổ” về lượng khách du lịch đến Phú Yên khi thời gian gần đây du khách đã biết đến Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh nhiều hơn.

Nhiều hoạt động kích cầu du lịch đã được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng với quy mô cấp quốc gia và châu lục như Ngày Văn hóa, Du lịch Phú Yên tại Hà Nội; Giải bóng chuyền bãi biển nữ châu Á năm 2025 - Cloud Gate Cup tại Phú Yên; chuỗi sự kiện di sản văn hóa Phú Yên; chuỗi sự kiện kích cầu du lịch hè 2025 với chủ đề “Đi Phú Yên đi” với các hoạt động trình diễn áo dài, lễ hội ánh sáng, trình diễn chế biến các món ăn độc đáo từ cá ngừ đại dương.

Ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết việc tổ chức sự kiện nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc, khác biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên đến với các đơn vị lữ hành, người dân, du khách trong nước và quốc tế; góp phần thu hút du khách, tăng trưởng cho ngành du lịch Phú Yên trong năm 2025.

Sản phẩm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP cũng hứa hẹn mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách.

Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ phát triển 9 mô hình du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch nông nghiệp. Các tổ chức, cá nhân tham gia các mô hình được hướng dẫn cải thiện chất lượng phục vụ du lịch, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường quảng bá, truyền thông về các mô hình tham gia hình thành sản phẩm dịch vụ du lịch, dịch vụ nông nghiệp, văn hóa truyền thống.

Tỉnh Phú Yên cũng quan tâm, dành nhiều đầu tư để phát triển các làng nghề truyền thống gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương với 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tao-tien-de-dua-du-lich-phu-yen-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-post1005138.vnp