Tạp chí văn nghệ địa phương đổi mới mình, tìm cách giữ chân bạn đọc

Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, các tạp chí văn nghệ ở nhiều địa phương đã từng bước đổi mới, từ khâu sản xuất nội dung đến ứng dụng các nền tảng số để tiếp cận thêm nhiều độc giả. Các sản phẩm của tạp chí văn nghệ địa phương đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa và tinh thần.

Hiện thực tiếp cận thông tin của xã hội đã có những thay đổi lớn, yêu cầu của bạn đọc ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí trong đó có các tạp chí văn nghệ ở các địa phương phải thật sự đổi mới, để không bị tụt hậu.

Sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, các tạp chí văn nghệ ở nhiều địa phương đã tập trung đổi mới, tập trung tận dụng lợi thế về lĩnh vực của mình, phát triển 'thị trường ngách' để nâng cao chất lượng nội dung. Trong đó thay đổi mô hình tòa soạn, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các cây viết trẻ, huy động đội ngũ cộng tác viên có năng lực, nhiệt huyết.

Tại Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái sau quy hoạch báo chí, từ ngày 01/02/2021, Báo được chuyển đổi thành Tạp chí với tên gọi “Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên”. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên có 2 phiên bản, gồm Tạp chí in, xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, 44 trang và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Cả 2 phiên bản này hoạt động đều đặn gần 4 năm qua và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đổi mới cả hai phiên bản, tạp chí in và điện tử. Ảnh: NVCC

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đổi mới cả hai phiên bản, tạp chí in và điện tử. Ảnh: NVCC

Với đội ngũ nhân lực ít ỏi (6 biên chế), nhưng cán bộ, phóng viên Tạp chí đã tập trung nâng cao chất lượng các tác phẩm in trên ấn phẩm giấy. Riêng trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử ban biên tập báo còn phát triển các loại hình báo chí mới. Trong đó sản xuất nhiều sản phẩm báo chí ở dạng: Video, Audio, Multimedia, Infographic, E-magazine…giúp đa dạng các hình thức tiếp cận thông tin, góp phần làm lan tỏa, sinh động đời sống văn học, nghệ thuật.

Để phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số, giao diện Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử mới chính thức được vận hành từ ngày 24/7/2023. Giao diện mới thể hiện được thế mạnh vượt trội, đảm bảo tính độc đáo, chuyên nghiệp, như: tối ưu hiển thị chuẩn SEO; công nghệ được áp dụng có hiển thị tốt trên mọi phiên bản PC, smartphone và máy tính bảng; tăng khả năng hiển thị trên Google search engine...

Chúng ta đều biết rằng, các sản phẩm video, audio, emagazine, infographic... đòi hỏi phải có chuyên môn và thiết bị công nghệ, thậm chí là các thiết bị công nghệ đắt tiền. Tuy nhiên các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ...hầu hết sẽ không đáp ứng để cung cấp sản phẩm đặc thù này cho Tạp chí.

Nhà báo Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cho biết, khó khăn là rất nhiều, nhưng tạp chí đã tìm ra bước đi thích hợp, trong đó từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ phóng viên và kết nối với cộng tác viên để thực hiện một phần công việc. Chẳng hạn tận dụng ưu thế của các hội viên là những nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa giỏi về ảnh nghệ thuật, vừa có khả năng làm ảnh báo chí tham gia cộng tác, thực hiện phần ảnh của bài emagazine. Cộng tác viên là nhà văn có thể viết phần nội dung trong đó, để cùng với biên tập viên của Tòa soạn biên tập nội dung và làm đồ họa hoặc video.

“Từ chỗ tay không, không có phóng viên được đào tạo chuyên sâu, không có thiết bị kỹ thuật, chưa từng có chuyên mục và sản phẩm media, đến nay, đơn vị đã thường xuyên cho ra những sản phẩm báo chí đa phương tiện, đăng tải trên các nền tảng số mang thương hiệu của tạp chí, đảm bảo về chất lượng và được độc giả đón nhận”, nhà báo Trần Văn Thép thông tin.

Tương tự, tại Tạp chí Văn nghệ Sông Lam (Nghệ An) trong những năm qua, Tạp chí luôn cải tiến về nội dung và nâng cao chất lượng, mở thêm nhiều chuyên mục mới được đọc giả quan tâm. Bên cạnh đó, Tạp chí đã biết cách tận dụng lợi thế của các nền tảng mạng hội để cung cấp thông tin, hình ảnh hấp dẫn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng.

 Tạp chí Sông Lam có nhiều cải tiến về nội dung và hình ảnh thú hút độc giả trên môi trường số.

Tạp chí Sông Lam có nhiều cải tiến về nội dung và hình ảnh thú hút độc giả trên môi trường số.

Nhà báo Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam chia sẻ: “Chuyển đổi số nghĩa là chúng tôi đã đưa tạp chí in lên môi trường mạng để độc giả có thể đọc tạp chí qua mạng, tương tự như sách điện tử. Qua đó, độc giả có thể cảm nhận được sự quen thuộc và hình hài của tạp chí in qua công nghệ. Nó không đơn thuần là một dạng liên kết mà độc giả được dùng trọn vẹn maket quen thuộc của tạp chí qua các thao tác lật trang tương tự như thao tác quen thuộc ở ngoài đời".

"Ở tạp chí điện tử thì chúng tôi tập trung phát triển các tin, bài, tác phẩm theo xu hướng đa phương tiện với nhiều loại hình khác nhau như là ảnh, clip, phóng sự truyền hình rồi e-magazine, long-form, podcast. Tùy mỗi tác phẩm sẽ có hình thức thể hiện phù hợp. Vì vậy, các tác phẩm tên tạp chí điện tử là một phong cách, hình thức hoàn toàn khác so với tạp chí in”, nhà báo Phạm Thùy Vinh cho biết.

Có thể nói, trong những khó khăn chung của báo chí hiện nay, nhiều tạp chí văn nghệ ở các tỉnh, thành đã từng bước đổi mới để theo kịp xu thế, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng địa phương mình. Trong dòng chảy không ngừng của báo chí hiện đại, các tạp chí văn nghệ địa phương đã đang và luôn nỗ lực tìm kiếm những con đường và phương tiện để có thể đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với bạn đọc bằng con đường nhanh nhất.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-chi-van-nghe-dia-phuong-doi-moi-minh-tim-cach-giu-chan-ban-doc-post321695.html