'Mở lối' cho Hà Nội tìm người tài

Câu chuyện thu hút nhân tài luôn là chủ đề nóng của Hà Nội và một lần nữa lại 'sốt' lên sau khi Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua, với những cơ chế mới 'mở lối' cho Hà Nội tìm người tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Luật Thủ đô được kỳ vọng tạo đột phá cho việc thu hút nhân tài của thành phố Hà Nội.

Luật Thủ đô được kỳ vọng tạo đột phá cho việc thu hút nhân tài của thành phố Hà Nội.

Vấn đề nhiều năm trăn trở

Hà Nội có nguồn lực con người to lớn, với hơn 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện.

Số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn thành phố; có hai khu công nghiệp công nghệ cao; hơn 150 doanh nghiệp khoa học công nghệ (đứng đầu cả nước); dự kiến đến năm 2025 có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Tiềm lực về nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội là rất lớn, song các chính sách về thu hút, trọng dụng người tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua của thành phố vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Trong đó, Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô với nhiều đặc cách dành cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác, lao động sau nhiều năm triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

Riêng với chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố sau 22 năm đã tuyên dương 2.256 thủ khoa.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2013 đến năm 2022, chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội; trong đó có 43 công chức, 12 viên chức.

Trong quá trình công tác, có 9 công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài và 5 công chức xin thôi việc.

Luật Thủ đô năm 2024 đã nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao.

Theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ cung cấp các gói hỗ trợ cạnh tranh với thị trường quốc tế để thu hút các cá nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định các chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.

Các quy định này thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc thu hút và phát triển nhân tài, nguồn lực chất lượng cao cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 đã tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài quay trở về đóng góp cho đất nước, đồng thời thu hút được một lượng lớn chuyên gia quốc tế. Điều này không chỉ giúp cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tăng cường sự hợp tác quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác đa phương trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Tạo môi trường để phát huy năng lực

Theo các chuyên gia, sự thay đổi này giúp các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và khởi nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao năng suất lao động và đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực.

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủ đô Hà Nội, thành phố cần xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như: Công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Từ đó, tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, chính sách thu hút, trọng dụng người tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô sẽ mang đến những tác động sâu sắc cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tại Hà Nội. Việc tận dụng tốt các cơ hội này sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Về vấn đề thu hút nhân tài, PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, đây là một bước tiến rất cơ bản, là cơ sở để gỡ khó về thể chế cho Thủ đô trong thu hút người tài. Tuy nhiên, theo bà An, lấy hiệu quả công việc trên thực tiễn đóng góp cho Thủ đô để trả lương nhưng cũng cần tạo ra môi trường làm việc tốt, tôn trọng để người tài được thực hiện ý tưởng và cũng phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính-nhà nước, Trường đại học Luật Hà Nội thì cho rằng, thực thi điều khoản này, Hà Nội phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách. Quan trọng nhất, đó là phải có môi trường cho họ phát huy được năng lực, bảo đảm điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài.

Luật Thủ đô đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội không chỉ giải quyết các vướng mắc trước mắt mà còn cả về định hướng phát triển lâu dài. Đây là “cơ hội vàng” để Hà Nội thu về trái ngọt, đòi hỏi phải chuẩn bị nguồn lực con người như một nhân tố vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết khai thác hết “giá trị” của Luật Thủ đô.

MAI THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-loi-cho-ha-noi-tim-nguoi-tai-post847257.html