Tập đoàn Caspi: Vi phạm thuế, liên tiếp chậm tiến độ vẫn được chỉ định thầu!?

Rũ bỏ thương hiệu Nhạc Sơn gắn bó 17 năm, Tập đoàn Caspi gột rửa 'vết đen' về thuế, bị cảnh cáo chậm tiến độ, nhận được gói thầu chỉ định gần 420 tỷ đồng!?

Từ Nhạc Sơn tới Caspi

Đồi Nhạc Sơn là một trong những địa danh giàu tính lịch sử của tỉnh Lào Cai. Khi xưa, vào giai đoạn đầu tái lập tỉnh, đây là khu vực hoang sơ, điêu tàn, cây cối bị phá hủy bởi chiến tranh. Nhưng giờ đây, đồi Nhạc Sơn đã trở nên xanh mướt một màu, mệnh danh là "lá phổi xanh" của thành phố Lào Cai, vừa đảm bảo bóng mát, vừa điều hòa khí hậu.

Nhờ được quy hoạch quy củ, bài bản, những hàng cây xanh bao phủ càng tăng thêm sức hấp dẫn cho tuyến đường đi bộ và đạp xe vốn đã rất đẹp ở Nhạc Sơn, ngày ngày đón tiếp người dân địa phương tới luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Bên cạnh đó, Công viên Nhạc Sơn cũng là điểm nhấn cho cảnh quan không gian đô thị ở thành phố Lào Cai, khi tọa lạc giữa lòng thành phố, là tổ hợp khu vui chơi thu hút khách du lịch trong nước và thế giới.

Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Định An, người thân của ông Trần Đức Vương. (Ảnh: Doanhnhantrevietnam.vn)

Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Định An, người thân của ông Trần Đức Vương. (Ảnh: Doanhnhantrevietnam.vn)

Có lẽ xuất phát từ lòng yêu thương quê hương, khi bước chân vào con đường kinh doanh, ông Trần Đức Long (SN 1962) đã quyết định lấy tên Nhạc Sơn để đặt cho công ty của mình. Công ty TNHH Nhạc Sơn theo đó ra đời một ngày tháng 10/2006, tại số 149 Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, chuyên về thi công công trình xây dựng, điện, hạ tầng giao thông.

Trụ sở công ty là nơi ở của gia đình ông Trần Đức Long và ông Trần Đức Vương (SN 1983), người con trai được chọn để kế tục sự nghiệp với vai trò Giám đốc Công ty Nhạc Sơn kiêm đại diện pháp luật.

Song, không nhiều người biết rằng, Công ty Nhạc Sơn còn được vun trồng dưới đôi bàn tay góp sức của ông Cao Đăng Hoạt (SN 1978), một cựu giáo viên gốc Nghệ An từng sinh sống tại phường Cốc Lếu, với tỷ lệ sở hữu 45% cổ phần doanh nghiệp, tính đến trước tháng 10/2022.

Ông Hoạt đồng hành cùng gia đình ông Trần Đức Long từ những chập chững trên thương trường, gặp vô vàn khó khăn và gian truân, với số vốn điều lệ ít ỏi chỉ 56 tỷ đồng (trước tháng 5/2015). Nhờ nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội, có thời điểm giới chủ Công ty Nhạc Sơn đã phát triển nguồn vốn góp của công ty lên tới 316 tỷ đồng, trước khi lần lượt giảm vốn xuống 189 tỷ đồng (tháng 1/2018) rồi 118,6 tỷ đồng (tháng 12/2020 - đến nay).

Từ tháng 11/2022, ông Cao Đăng Hoạt rút khỏi danh sách cổ đông Công ty Nhạc Sơn, nhượng phần vốn góp trị giá hơn 50 tỷ đồng, tương đương 42,434% cho bà Lê Thị Phương (SN 1993), nữ doanh nhân trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nắm giữ. Mối quan hệ giữa giới chủ Nhạc Sơn và ông Cao Đăng Hoạt không vì đó mà có thể phai mờ, khi ông Hoạt vốn cũng là người thân của ông Trần Đức Vương.

Doanh nhân Cao Đăng Hoạt xuất thân từ nhà giáo. Ngoài tương hỗ, vun vén cho Công ty Nhạc Sơn lớn mạnh, ông Cao Đăng Hoạt còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Định An (Hà Nội), Công ty Cổ phần Tập đoàn Ruby (Hà Nội) và là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Ruby (Kiên Giang), Công ty TNHH Dũng Hân (Lào Cai), Công ty Cổ phần Quốc tế Nam Hội An - chủ dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC có quy mô 174,77 ha tại tỉnh Quảng Nam...

Sau sự rời đi của ông Cao Đăng Hoạt, Công ty Nhạc Sơn rũ bỏ thương hiệu Nhạc Sơn đã gắn bó gần 20 năm để thay bằng cái tên có phần "xa lạ" - Caspi, cùng danh xưng "tập đoàn" (Công ty TNHH Tập đoàn Caspi). Chưa có lời giải thích cụ thể nào về động thái đổi tên, tuy nhiên, với những "vết đen" như bị Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra vi phạm về thuế, hoặc thường xuyên bị truyền thông nhắc tên do nằm trong danh sách nhà thầu bê trễ tiến độ tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, buộc chủ đầu tư phải ra văn bản "cảnh cáo" về sự yếu kém này. Không ngoại trừ khả năng, Nhạc Sơn cố "tẩy trắng", cứu vớt lấy uy tín cũng như hình ảnh của mình.

Thắng nhiều dự án lớn

Nhà thầu chính cho gói thầu xây lắp XL-01 (Liên danh cùng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C và Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng), trị giá hơn 800 tỷ đồng thuộc dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ đồng), chỉ là một trong số thương vụ lớn mà Tập đoàn Caspi thực hiện.

Cũng trong năm 2020, Tập đoàn Caspi và thành viên liên danh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty Cổ phần Hải Đăng đã trúng gói thầu XL-02 gần 900 tỷ đồng ở dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải).

Tương tự ở gói thầu XL-01 nói trên, nhóm nhà thầu Tập đoàn Caspi tiếp tục bị "réo tên" vì chậm tiến độ, mà theo đánh giá của chủ đầu tư, nguyên nhân là do "sự thiếu quan tâm của lãnh đạo đơn vị thi công, sự yếu kém của nhân sự thực hiện dự án của nhà thầu. Từ đó, dẫn đến nghiệm thu, thanh toán rất chậm, khối lượng tồn tại chưa nghiệm thu lớn khiến dòng tiền không thể quay lại công trường" - trích theo văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết công bố hồi tháng 7/2022.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cảnh cáo Tập đoàn Caspi và các cộng sự vì liên tục chậm tiến độ ở dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cảnh cáo Tập đoàn Caspi và các cộng sự vì liên tục chậm tiến độ ở dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Song, nhìn đi cũng nhìn lại, không phải lúc nào dự án của Tập đoàn Caspi cũng đì đẹt tiến độ. Chẳng hạn, tại gói thầu XL-04 "Thi công cầu dẫn phía Vĩnh Long" nằm trong dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, Tập đoàn Caspi và Công TNHH Tập đoàn Định An, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính được khen ngợi vì đưa công trình hoàn thiện sớm hơn dự kiến, góp phần giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1.

Nhiều khả năng, tiến độ được đảm bảo là do liên danh này vốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn mức bình thường, quyền quyết định tập trung trong tay một số người chẳng hạn như ông Cao Đăng Hoạt, nên không để xảy ra các vấn đề tranh chấp ảnh hưởng đến sự vận hành xuyên suốt (như tranh chấp nguyên tắc hoạt động, tranh chấp khối lượng công việc...)

Nhìn chung, theo thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tập đoàn Caspi từ năm 2018 tới nay đã tham gia vào 16 gói thầu, trong đó, tổng giá trị trúng thầu hơn 4.460 tỷ đồng (độc lập lẫn liên danh), thu hút sự quan tâm của giới nhà thầu.

Sau khi đổi tên, Tập đoàn Caspi đổi vận và 2023 trở thành năm "đại thắng" của họ. Tháng 11/2023, doanh nghiệp và Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đã được chỉ định làm gói thầu số 22 "Thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông" do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, với giá gần 420 tỷ đồng. Gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 2, thời gian thực hiện hợp đồng 1.461 ngày.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, ông Lê Minh Cường đích thân ký quyết định lựa chọn nhà thầu.

Trước đó, tháng 6/2023, Tập đoàn Caspi cũng được xướng tên trong Liên danh nhà thầu thắng gói thầu số 10/TP2-X "Xây dựng đoạn tuyến từ Km36+166,74 đến Km48+314,71" từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, trị giá ngót nghét 1.000 tỷ đồng.

Đồng hành cùng Tập đoàn Caspi là đối tác "ruột" - Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.080 ngày, sử dụng ngân sách thành phố, do Phó giám đốc Đỗ Đình Phan ký ban hành.

Băn khoăn nghĩa vụ thuế

Mặc dù đã quá quen mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ có điều, vì là doanh nghiệp tư nhân nên tiềm lực của nhà thầu Caspi vẫn là dấu hỏi đang chờ khám phá.

Theo tài liệu của Báo Công Thương, doanh thu của Tập đoàn Caspi những năm gần đây đều đạt ngưỡng vài trăm tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2022 lần lượt đạt 181 tỷ đồng, 354,3 tỷ đồng, 222 tỷ đồng, 200 tỷ đồng, 298,7 tỷ đồng và 266 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của họ khá còi cọc, tương ứng với các năm kể trên là 1 tỷ đồng, 2,4 tỷ đồng, 720 triệu đồng, 287 triệu đồng, 201 triệu đồng và 463 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu 6 năm là 1.522 tỷ đồng, chuyển đổi sang lợi nhuận được vẻn vẹn 5 tỷ đồng, tức hệ số sinh lợi trên doanh thu là 0,3% (thu cả 1.000 đồng mới có lãi 3 đồng). Đây là mức lãi "tráng men" gây nhiều hoài nghi cho dư luận.

Từ đó, đặt ra câu hỏi về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Tập đoàn Caspi. Ước tính với mức thuế suất trung bình là 20%, 6 năm qua, doanh nghiệp của ông Trần Đức Long và ông Trần Đức Vương chỉ đóng góp khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước, trong khi, phần lớn doanh thu của họ được trích từ ngân sách nhà nước!?

Về cấu trúc tài chính, tổng tài sản cuối năm 2022 của Tập đoàn Caspi là 586 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chiếm 133 tỷ đồng, và 453 tỷ đồng còn lại hình thành từ nợ phải trả, sự chênh lệch là 3,4 lần. Để có tiền trang trải cho các dự án tha gia, Tập đoàn Caspi có dấu hiệu gặp khó khăn về nguồn vốn, phải chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng, chủ đầu tư, nhà cung cấp thông qua các khoản mục Người mua trả tiền trước ngắn hạn (125,9 tỷ đồng), Phải trả người bán ngắn hạn (103,3 tỷ đồng), Phải trả ngắn hạn khác (126,4 tỷ đồng)... Nhà thầu cũng vay ngắn hạn 85,4 tỷ đồng ở chỗ các ngân hàng, tương đương 72% vốn tự có.

Dạo gần đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - Chi nhánh Hà Nội "soán ngôi" Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hà Thành trở thành đơn vị cấp tín dụng tích cực cho Tập đoàn Caspi, với tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền đòi số nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt, bồi thường thiệt hại phát sinh từ các hợp đồng, các khoản phải thu của nhà thầu với chủ đầu tư; hoặc các loại xe chuyên dụng trong thi công, xây dựng.

Vi phạm về thuế của Công ty Nhạc Sơn - Tập đoàn Caspi đã bị Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện, chỉ ra trong Kết luận thanh tra về việc thanh tra hành chính tại Cục Thuế tỉnh Lào Cai - thời kỳ năm 2021 và các thời kỳ khác có liên quan.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, Tập đoàn Caspi có quan hệ liên kết và hoạt động giao dịch hợp đồng mua hàng hóa với Công ty TNHH Tập Đoàn Định An - nơi ông Cao Đăng Hoạt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

Theo hồ sơ kê khai Quyết toán thuế TNDN năm 2021, Tập đoàn Caspi không kê khai hoạt động có giao dịch liên kết. Tổng chi phí lãi vay Tập đoàn Caspi hạch toán và kê khai xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là 9.981.308.913 đồng (gần 10 tỷ đồng).

Căn cứ khoản 2, Điều 1, Điều 5 và khoản 3, Điều 16 của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; xác định chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là 4.678.867.424 đồng, dẫn đến số thuế phải nộp bổ sung là 935.773.485 đồng (hơn 935 triệu đồng).

Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Cục Thuế tỉnh Lào Cai về công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế (như doanh nghiệp có quan hệ liên kết, giao dịch liên kết, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản...) nhằm nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định tại quy trình thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, kịp thời phát hiện người nộp thuế kê khai không đúng để xử lý theo quy định.

Hoa Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-doan-caspi-vi-pham-thue-lien-tiep-cham-tien-do-van-duoc-chi-dinh-thau-327864.html