Tập đoàn công nghệ Thụy Sĩ Bühler thúc đẩy giải pháp sản xuất xe điện bền vững hơn
Các giải pháp công nghệ tiên tiến của Bühler giúp nâng cao hiệu quả, góp phần xây dựng chuỗi sản xuất xe điện bền vững hơn.
Tập đoàn công nghệ Thụy Sĩ Bühler Group mới đây cho biết, hãng này đã cung cấp hai máy đúc áp lực Carat 920 cho đối tác Hàn Quốc – Seojin System tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất các kết cấu lớn của xe điện và vị thế của Seojin System trong ngành. Đây là hai máy đúc hiện đại nhất và là dòng máy đúc Carat lớn nhất tại Việt Nam của hãng.
Ông Jun Dong Kyu, Chủ tịch Seojin System, đánh giá, các giải pháp sáng tạo của Bühler sẽ giúp doanh nghiệp này có lợi thế cạnh tranh đáng kể trong cung cấp phụ tùng ô tô đúc cao cấp trên toàn thế giới.
“Công nghệ tiên tiến của Bühler, cùng với lợi thế chiến lược của Việt Nam về hậu cần, ưu đãi thuế và lực lượng lao động lành nghề, sẽ cho phép chúng tôi tối đa hóa hiệu quả, củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Jun Dong Kyu nhấn mạnh.
Thành tựu này không chỉ thể hiện bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai công ty mà còn nhấn mạnh cam kết thúc đẩy Việt Nam thành một trong các thị trường trọng điểm của của Bühler Group trong thời gian tới.
Bên cạnh cung cấp các sản phẩm hiện đại nhất với các công nghệ tiên tiến cho các đối tác tại Việt Nam, Bühler Group còn giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ cho sản xuất xe điện bền vững, đơn cử như tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE) cuối năm ngoái với công nghệ đúc nhôm áp lực cao, công nghệ nghiền mịn hạt sơn, mực in, pin lithium-ion…

Lễ kỷ niệm hoàn thành dự án hai máy đúc 9.200 tấn giữa Buhler Group và Seojin System. Trong ảnh: Ông Cornel Mendler - Giám đốc ngành Đúc áp Lực Tập đoàn Buhler (thứ 7 từ trái qua); Ông Jun Dong Kyu - Chủ tịch Tập đoàn Seojin System (thứ 8 từ trái qua); Ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (thứ 9 từ trái qua)
Những giải pháp từ Bühler sẽ giúp nâng cao hiệu quả, giảm phát thải và giảm tiêu hao năng lượng cho chuỗi sản xuất xe điện, góp phần vào sản xuất bền vững hơn và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải.
“Mục đích của chúng tôi là "Đổi mới vì một thế giới tốt đẹp hơn" và trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung nỗ lực nghiên cứu và phát triển cho cải thiện cả hiệu suất thương mại và tính bền vững của các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ. Trách nhiệm về mặt đạo đức, xã hội và môi trường (ESG) là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh dài hạn của chúng tôi”, Bühler nhấn mạnh trong báo cáo phát triển bền vững.
Trong năm 2025, Bühler đặt mục tiêu các giải pháp mới của Bühler sẽ giúp khách hàng giảm năng lượng, chất thải và nước trong chuỗi giá trị của khách hàng; hỗ trợ các đối tác đo lường và giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, Bühler cam kết xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu giảm 60% phát thải khí nhà kính trong hoạt động của chính của doanh nghiệp vào năm 2030, nằm trong Phạm vi 1 và 2 của Nghị định thư về khí nhà kính.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp cho biết sẽ hợp tác với các nhà cung cấp của mình để đạt được mục tiêu giảm 27.5% phát thải trong chuỗi cung ứng và hậu cần vào năm 2030.

Ông Rafael Diem, Giám đốc khu vực Đông Nam Á ngành Vật liệu công nghệ cao của Bühler trình bày giải pháp đúc áp lực tới các nhà sản xuất ô tô, xe máy, nhà máy đúc tại hội thảo Hà Nội ngày 23/05/2025
Theo báo cáo phát triển bền vững, cam kết mạnh mẽ của Bühler đối với tính bền vững được thể hiện trong các khoản đầu tư vào đổi mới, mạng lưới các trung tâm nghiên cứu và đào tạo cũng như các đối tác.
Những đổi mới và quan hệ đối tác trong lĩnh vực vật liệu công nghệ cao được xây dựng và thúc đẩy với mục tiêu vào các ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện di chuyển bền vững hơn.
Được thành lập từ năm 1860, Bühler Group đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển máy móc công nghệ cao được sử dụng trong chế biến thực phẩm và sản xuất các vật liệu công nghệ cao. Tập đoàn này có mặt tại Việt Nam từ năm 1960, cung cấp các giải pháp công nghệ trong ngành chế biến nông sản và đã mở rộng sang lĩnh vực đúc áp lực, nghiền mịn và công nghệ tráng phủ.